Hình ảnh biểu tượng con trâu là một hình ảnh cụ thể sống động, đã từng được được Phật sử dụng trong những ngày cuối cùng để dạy các đệ tử của Ngài; nhằm canh giữ cái tâm của họ, cũng như canh giữ một con trâu. Đức Phật dạy:” Y như chăn trâu, cầm gậy canh chừng, không để nó buông lung phạm vào lúa mạ của người.” (kinh Di giáo). Và cũng từ đó, hình ảnh con trâu được các nhà Đại thừa, và các nhà Thiền tông Trung hoa sử dụng một cách linh động triệt để hơn. Như ngài Mã tổ-Đạo nhất hỏi Thạch củng:
- “Ông làm cái gì đây?”
Đáp:
- “Chăn trâu.”
Lại hỏi:
- “Chăn như thế nào?”
Đáp:
- “Mỗi khi nó chạy a vào đồng cỏ, thì xỏ muĩ kéo nó lại, thế là người chăn giỏi.”
Hoặc như ngài Phước châu-Đại an hỏi ngàì Bách trượng:
- “Tôi khát khao muốn hiểu Phật pháp, việc đó như thế nào?”
Bách trượng đáp:
- “Hệt như cỡi trâu tìm trâu!”
Hỏi:
- “Hiểu rồi như thế nào?”
Đáp:
- “Như người cỡi trâu về nhà.”
Hỏi:
“Rồi làm sao giữ cho trước sau khế hợp?”
Đáp:
- “Như người chăn trâu cầm roi giữ trâu mình, đừng cho phạm vào lúa mạ của người.”
Hay, Lặc đàm hỏi Linh thao:
- “Trước khi chưa xuất gia ông làm gì?”
Linh thao đáp:
- “Chăn trâu.”
Lặc đàm hỏi:
- “Chăn như thế nào?”
Linh thao đáp:
- “Sáng sớm cỡi đi, chiều tối cỡi về.”
Lặc đàm bảo:
- “Ông thật ngu si quá cỡ! Nhờ đó mà Linh thao đại ngộ.”
Hay, ngài Đại an dạy chúng rằng:
- “Đại an ba mươi năm ở Qui sơn, ăn cơm Qui sơn, đại tiểu tiện Qui sơn, mà chẳng học Thiền Qui sơn. Ngày đêm chỉ xem chừng một con trâu nước đen. Nếu nó đi lạc vào trong cỏ mạ, liền nắm mũi kéo lại. Vừa mới xâm phạm đến ruộng lúqa người ta, liền đưa roi ra quất. Thật đáng thương! Trâu bị điều phục lâu ngày trở nên thuần thục, vâng lời người dạy mắn. Giờ đây trâu đen đã hóa thành trâu trắng, sờ sờ rõ ràng trước mặt, trọn ngày đuổi cũng không đi.”
Hay, ngài Động sơn hỏi hòa thượng Long sơn:
“Hòa thượng thấy đạo lý gì mà trụ núi này?”
Long sơn đáp:
- “Ta chỉ thấy hai con trâu bùn húc nhau rồi chạy xuống biển. Từ đó đến nay vẫn chưa thấy tin tức gì cả.”
Và ngài Bạch vân-Nghĩa đoan hỏi Quách công phụ rằng:
- “Trâu thuần chưa?”
Và cứ như thế pháp chăn trâu được nhiều người sử dụng, vừa tự mình chăn vừa dạy kẻ khác chăn. Mãi về sau này người ta mới vẽ thành tranh, và được gọi là:” Thập Mục Ngưu Đồ” . Tranh vẽ thập mục ngưu đồ này tuy nhiều, nhưng có thể xếp thành hai loại: Loại theo khuynh hướng Đại thừa, và loại theo khuynh hướng Thiền tông. Loại theo khuynh hướng Đại thừa vẽ lại quá trình công phu tu tập của hành giả. Trước hết phải tự thắng bản năng mình, sau đến tự tri, và cuối cùng đạt đến tự tại; còn khuynh hướng Thiền tông trình bày bước tiến tâm linh theo hình vẽ qua ba giai đoạn: sai tâm bắt tâm-tâm vô tâm-tâm bình thường.
Qua hình ảnh biểu tượng con trâu được trình bày. Từ hình ành biểu tượng một con trâu Ấn độ sang hình ảnh biểu tượng một con trâu Trung hoa, chúng ta thấy không có gì sai khác về hình thức cũng như nội dung trong việc” hàng phục tâm mình” mà con trâu là một biểu tượng. Như ở đây về mặt biểu tượng hình thức, chúng cũng có những nét độc đáo xuất hiện qua con trâu bùn của Long sơn. Tuy nhiên chúng không nói đến tiến trình tâm linh, mà chúng chỉ được sử dụng như một nghi án cho một công án. Nhưng từ hình ảnh biểu tượng con trâu đó, khi sang Việt Nam trên mặt hình thức, chúng chỉ còn là một con trâu đất, con trâu bùn hay con trâu đá không hơn không kém.
Vào cuối thế kỷ mười ba, người chăn giữ con trâu đầu tiên trong văn học Thiền Việt Nam chính là Thượng sỹ Tuệ trung. Ông đã chăn con trâu chính ông, mà ông đã phát hiện từ Qui sơn Trung hoa chòm xóm. Đây, chúng ta hãy theo dõi bài thơ Tuệ trung viết:



“Ngẫu hướng Qui sơn đắc đệ lân,
Hoang vu cam tác mục ngưu nhân;
Quốc vương đức trạch khoan nh7 hải,
Tùy phận ta ta thủy thản xuân.”
Dịch:
“Chợt hướng non qui được thảnh thơi,
Đồng hoang đành vậy giữ trâu chơi;
Nhà vua đức rộng như sông biển,
Tùy phận xuân về nước cỏ tươi.”
(Trúc thiên dịch)
Ở đây, chúng tôi không làm cái việc bình thơ như thông tục, mà chúng tôi chỉ làm cái việc theo dõi bước tiến tâm linh con trâu đất của Thượng sỹ Tuệ trung. Từ khi ông chợt thấy con trâu của Đại an ở Qui sơn chòm xóm; cũng từ đó ông cam chấp nhận làm kẻ chăn trâu cho chính mình, và biến hình ảnh biểu tượng con trâu ban đầu thành con trâu đất Việt Nam. Ông luôn luôn chạy theo nó, cho dù nó ở dưới bất cứ hình thức nào trong cát bụi, ông vẫn một mực là kẻ chăn. Chúng ta hãy theo dõi Thượng sỹ viết:



“Thiều thiều khoát bộ nhập trần lai,
Hoàng sắc mi đầu đảnh đảnh khai;
Bắc lý ưu du đầu mã phúc,
Đông gia tán đản nhập lư thai.
Kim tiên đả sấn nên ngưu tẩu,
Thiết sách khiên trừu thạch hổ hồi;
Tự đắc nhất triêu phong giải đống,
Bách hoa nhưng cựu lệ xuân đài.”
Dịch:
“Vào vòng cát bụi nhịp chân đưa,
Vàng óng đầu mi chớp chớp đùa;
Xóm bắc rong chơi gieo bụng ngựa,
Nhà đông vui bước nhập thai lừa.
Roi vàng đuổi mất trâu bùn chạy,
Gậy sắt lôi về cọp đá thua;
Rồi một ngày mai băng giá hết,
Trăm hoa như cũ rộn xuân xưa.”




Trên tay ông có roi vàng luôn luôn sẵn sàng giáng xuống, nếu trâu chạy bậy. Nhưng trâu nào chịu khuất phục, chỉ vì duyên bên ngoài quá hấp dẵn và lôi cuống nó, nên nó luôn luôn chạy bậy vào vùng đất cấm và, roi kia bỗng trở thành bất lực. Không cách nào khác hơn để khuất phục nó, chỉ còn có cách” Xỏ mũi dắt về chẳng nghỉ ngơi” mới có thể khuất phục được nó. Chúng ta theo dõi Thượng sỹ điều phục con trâu của chính mình:



“Nhất thân độc thủ nhất nê ngưu,
Đằng tỵ khiên lai vị khẳn hưu.
Tương đáo Tào khê đô phóng hạ,
Mang mang thủy cấp đả viên cầu.”
Dịch:
“Một mình cố giữ con trâu đất,
Xỏ mũi dắt về chẳng nghỉ ngơi.
Vừa đến Tào khê buông xuống hết,
Mênh mông nước chảy cuống bọt trôi.”




Thế là con trâu đất của Thượng sỹ đã bị Thượng sỹ điều phục, bằng cách xỏ mũi dắt về. Và cũng từ đó, hai hình ảnh người chăn và trâu đất không còn ngăn cách nữa, đã trở thành một. Chính cái một này nó được thể hiện là hai trong câu:” Tương đáo Tào khê đô phóng hạ.” Đây là hình ảnh” Nhân cảnh lưỡng câu đoạt” trong TỨ-LIỆU-GIẢN của ngài Lâm tế. Chính giây phút đô phóng hạ này là giây phút không giữ, mà không giữ thì có gì để buông, do đó không buông. Ở đây, chính thái độ KHÔNG GIỮ KHÔNG BUÔNG này là thái độ TỰ TẠI, cũng là hình ảnh:” Nhân cảnh câu bất đoạt.” Đây chính là âm thinh của khúc hát VÔ SINH của Thượng sỹ. Chúng ta hãy theo dõi” Người trâu đều không bị đoạt” trong cuộc sống tự tại của Thượng sỹ Tuệ trung qua bài thơ:



“Nhất khúc Vô sinh xướng liễu thì,
Đảm hoành tất lật cố hương qui.
Thượng đầu đả quá hồ hà hữu,
Nhất cá nê ngưu nhậm đảo ki (kỵ).
Dịch:
“Khi khúc vô sinh vừa hát xong,
Cầm ngang ống sáo về cố hương.
Vượt qua tất cả không chướng ngại,
Tự tại trâu bùn cỡi ngược dòng.”



Qua hình ảnh biểu tượng con trâu đất của Thượng sỹ Tuệ trung, đã cho chúng ta thấy bước tiến tâm linh của ông, từ khi mới phát hiện cho đến khi tự tại. Giờ đây chính là giai đoạn Thiền sư thỏng tay vào chợ, sống với đời mà không bị đời lôi kéo, an nhiên tự tại trong” Nhân cảnh câu bất đoạt” thể hiện qua bài ngâm cuồng phóng, và bài ngâm bĩu môi của ông. Vì hai bài ngâm quá dài, nên ở đây chúng tôi chỉ trích bốn câu cuối của mỗi bài cũng đủ nói lên cái tự tại của” Nhân cảnh câu bất đoạt” trong cuộc sống của Thượng sỹ Tuệ trung. Đây, chúng ta theo dõi bốn câu cuối của bài ngâm cuồng phóng:



“… Phóng tư đại hề, mạc bả tróc,
Liễu nhất sinh hề, hưu bôn mang.
Thích ngã nguyện hề, đắc ngã sở,
Sinh tử tương bức hề, ư ngã hà phương?”
Dịch:
“… Buông bốn đại chừ, đừng nắm bắt,
Tỉnh một đời chừ, chớ chạy rông.
Thõa nguyện ta chừ, đạt điều ta muốn,
Sống chết bức nhau chừ, làm gì được ta.”




Và đây là bốn câu cuối của bài ngâm Bĩu môi:



“… Đáo nhậm ma thì hề, lý sự toàn chương,
Đề trì phóng quá hề, hà tu nghĩ nghĩ.
Thạch ngưu dạ bán nhập hải đông,
Tràng trước san hô nguyệt như thủy.
Dịch:
“… Đến khi nao chừ, lý sự rõ ràng,
Nắm giữ buông xuôi chứ, cần gì lo nghĩ.
Nửa đêm trâu đá vào biển đông,
Khua động san hô ánh trăng như nước.”




Chuyện bốn đại chừ đâu còn can hệ chi với tâm trâu đất, và việc sống chết cũng chả làm được gì nó; vì nó giờ đây không còn lệ thuộc vào nhân qủa, cho nó nó sống trong nhân qủa đi chăng nữa. Vậy thì cái việc lý sự rõ ràng kia làm gì có được, trong khi chúng dung thông vô ngại, và việc giữ buông có can hệ gì đến Y. Y cứ như là một con trâu đất tự tại ra vào nào ai giữ được, cần gì phải nửa đêm hay không nửa đêm?
Tóm lại, ai muốn thấy được cái độc đáo trong con trâu đất của Tuệ trung, thì phải tham thấu lọt qua công án này, mới mong thấy được BẢN LAI DIỆN MỤC cuủa chính mình. Thí dụ có người hỏi Tuệ trung:
“Phật là gì?”
Thượng sỹ đáp:
“Con trâu đất. (công án của Đ.L.)”
Ở đây, nếu ai là người lanh cơ, thì con trâu đất của Thượng sỹ không còn đất đứng. Cũng có thể có người bị con trâu đất ám ảnh, nghi ngờ, và từ đó tạo ra mối nghi tình. Nếu họ biết cách đẩy mối nghi tình này đến chỗ cùng tột, không sớm thì muộn con trâu đất của Thượng sỹ cũng bị vỡ tung, và lúc đó mọi người mới thấy được cái độc đáo của con trâu đất. Còn không thì qua mấy trang giấy trên, quí vị sẽ không nhận ra chỗ độc đáo của con trâu đất đâu; vì chúng chỉ là trò chơi của ngôn ngữ, chúng chỉ có khả năng làm mờ mắt thiên hạ mà thôi.

Người đăng: Phổ Đồng on Thứ Tư, 23 tháng 1, 2008
categories: | edit post

0 nhận xét

nhạc nền

Video - Phim

About Me

Ảnh của tôi
Từ vô thỉ ta luân hồi cát bụi, Vẫn miệt mài bám lấy cõi trần gian; Vẫn hít thở âm thầm yêu cuộc sống, Trần gian ơi nghe cát bụi mơ màn. Theo khát vọng ta trầm luân gót mỏi, Đếm đường dài vết cũ bụi chưa tan; Ngoảnh mặt lại khói sương mờ phong kín, Đường qua đi mất dấu tự phương ngàn. Ta dong ruỗi lạc loài theo nắng sớm, Cùng mưa chiều tan nát mộng dưới chân; Đất khẽ gọi con gió chiều đi vắng, Về tự tình đưa tiễn mộng nghìn năm. Nghe tan vỡ từ vô thường hoa nở, Nắng nghìn năm trưa buồn lạ trong hồn; Chiều ủ rũ qua nắng tàn trăng hiện, Từng giọt vàng rơi cõi đất mông lung. Vẫn hiện thực qua sắc màu biến đổi, Chuyện trăng tàn nhớ bóng ráng chiều phong; Tựa hơi thở buồn vui nào biết nổi, Cả một đời qua sinh diệt thời gian. Chợt một sớm rảnh rang nhìn đất thở, Đá cựa mình nghe dao động không gian; Như hoa đớm hạt nắng vàng ảo hóa, Giọt mong manh từng giọt đẹp vô ngần. Theo duyên hiện hóa thân vào vô tận, Duyên trùng trùng cho đến mãi vô chung.