Ngoạn thạch (chơi đá) một hình thức biểu trưng cho nội dung thưởng lãm đá (thạch ngoạn) đã và đang trở thành phong trào thời thượng trong hiện tại, tại Việt nam. Nhưng cách chơi đá và thưởng lãm đá này mang đậm tính chủ quan tính hơn là khách quan, vì bản thân của thưởng lãm chúng luôn tùy thuộc vào khả năng thưởng lãm của mỗi cá nhân tùy thuộc vào kiến thức và trình độ nhận thức của mỗi người về hiện vật; do đó chúng không có bất cứ một nguyên tắc chung nào hết. Vì bản thân cái đẹp của chân lý nói chung, không nằm trong suy tưởng hay lý luận của tư tưởng nhị nguyên phân biệt, mà nó mang bản thể của một nhất thống của phi nghệ thuật chứ không nằm trong nghệ thuật tương đối để đánh giá về một cái đẹp theo chủ quan tính cá biệt mỗi người. Vì giữa nghệ thuật và phi nghệ thuật chơi và thưởng lãm nghệ thuật nói chung và về đá nói riêng, chúng có một khoảng cách khá xa trên mặt luận lý hình thức của nghệ thuật và trên mặt bản thể của phi nghệ thuật.

Nhân đọc quyển nghệ thuật chơi đá của hai tác giả: Lý Lược Tam và Huỳnh Ngọc Trảng, chúng tôi xin tóm lược lại  nội dung và hình thức của quyển sách này. Qua quyển sách dày bảy mươi hai trang do nhà xuất bản Mỹ Thuật ấn hành năm 1997 này, về hình thức rất trang nhã đẹp và, sách được chia ra làm hai phần chính: Phần thứ nhất, khảo luận về thú chơi đá, phần thứ hai là thạch ngoạn.

Phần đầu chia làm ba. Một, dẫn nhập. Hai, lý và sự thú chơi đá. Ba, sổ tay người chơi đá.

Phần thứ hai thạch ngoạn, với 43 bức tranh màu về đá đủ để nói lên tính đa dạng về những biểu trưng của nghệ thuật chơi đá (ngoạn thạch), mà qua đó chúng sẽ là những đối tượng thưởng ngoạn cho chúng ta.

Theo hai phần này, tuy hai tác giả đã nói “Thuật nhi bất tác” trong lời nói đầu, nhưng đây quả là một việc làm có tính cách tổng hợp có hệ thống, cho dù chỉ hạn hẹp trong vòng 72 trang; song chúng cũng nói lên được cái tính cách nghệ thuật phi nghệ thuật (The art of artlessness) của tư tưởng Đông Phương, nhất là nó mang đậm tính vượt thoát của tư tưởng Phật giáo Thiền tông trong nó.

I . Từ nghệ thuật ngoạn thạch đến phương pháp thưởng lãm phi nghệ thuật trong chúng có một khoảng cách khá rộng trên mặt luận lý hình thức, nhưng trên mặt bản thể chúng không có bất cứ một sự ngăn cáh nào giữa đá và người thưởng lãm:

“Chúng ta là người giám thưởng đá nếu không vì hình dáng và màu sắc của cục đá mà mê, cũng không vì nó là một cục đá trải đường mà khinh, thì chúng ta hãy trực tiếp khế nhập vào ‘bản thể sinh mạng’ của cục đá, tham nhiếp cái ‘bản lai diện mục’ của nó mà quay nhìn lại ‘bản lai diện mục’ của mỗi chúng ta. Đúng là cục đá này không có dáng vẻ, vô hình tướng, nhưng không chỗ nào không hình dáng; đúng là một cục đá này không ngôn ngữ nói năng, nhưng không chỗ nào là không ngữ ngôn. Nội hàm của nó phản phất như có cái dáng vẻ thuần túy-giản phác, hồn nhiên-tỉnh lược từ trong cái dáng vẻ phức tạp mà ra; hoặc từ cái tuyệt đối không hình dáng nhưng với một điểm ‘tình vị’ vô tướng nơi tâm chúng ta thêm vào một điểm thôi-một điểm mà ‘thêm hơn ắt quá nhiều, ít hơn ắt quá không’. Cái cảnh giới của cái ‘tình vị’ mà tâm chúng ta thêm vào với đá-cảnh giới người tìm đến với đá, và đá khế hội cùng người-cái cảnh giới đó khó nói nên lời được; hoặc nó phảng phất như một câu ‘thoại đầu’ mà chúng ta qui kết từ trong đống văn chương ngữ lục, hoặc từ trong cái vô ngôn tuyệt đối chúng ta ‘phương tiện’ tụng lên một câu Phật kệ: Để tự chúng ta-những ‘thức giả’ tự thức và ‘bất thức giả’ tự bất thức vậy.. Đó là bản lý để chúng ta biết tại sao nói cục đá này ‘vô hình nhi vô sở bất hình; vô ngôn nhi vô sở bất ngôn’, Chơi đá là một thú tiêu nhàn, một diệu dược và cũng có thể tạm gọi coi hư một phẩm trợ đạo thân dẫn chúng ta trở về với tánh bản nhiên của chúng ta.” (trang 8).

Ở đây hai tác giả đã mở ra cho chúng ta một phương pháp thể nhập trực tiếp vào với đá, không qua bất cứ phương pháp nào hết, ngoài tự thân mọi người và, tự tham thấu qua những biểu tượng, tượng trưng qua hình thể cục đá, để đạt được những cảm nhận trực giác nào đó đối với bản thân và đối tượng được thưởng lãm. Nhưng điều này khó có thể xảy ra cho những người thưởng lãm đá, khi mà giữa chủ thể và đối tượng không được đưa lên hàng bình đẳng ngang nhau thì, đó chính là lúc người và vật có sự ngăn cách nhau. Muốn đạt đến tình trạng “tâm vật nhất như” như của nhà Thiền thì chúng ta phải tham nhiếp trực tiếp vào “bản thể sinh mạng” của cục đá như quay nhìn lại cái “bản lai diện mục” chúng ta vậy. Đây chính là sự thâm nhập vào cái bản lai diện mục của mỗi chúng ta qua pháp phi nghệ thuật của Phật giáo Thiền tông, mà nghệ thuật thưởng lãm đá khó đạt đến.

Từ nghệ thuật đến phi nghệ thuật về mặt hình thức (chỉ cho sự) tuy thấy chúng có sự ngăn cách với bản thể (chỉ cho lý). Nhưng tựu trung sự ngăn cách đó là một sự cần thiết, để nhờ đó chúng ta mới có khả năng bước đến bước thứ hai (nếu không có bước thứ nhất thì chắc chắn sẽ không có bước thứ hai) để thể nhập vào bản thể của sự vật. Do sự cần thiết này, cho nên hình thức cục đá cũng dự phần quan trọng vào tính quyết định của việc thấu đạt bản thể sự vật; tuy chúng chỉ mang hình thức biểu tượng phương tiện, nhưng không thể không có hình thức hình dạng) để chúng ta thưởng lãm. Về hình dạng cục đá thì theo như sách, hai tác giả đã chỉ dẫn gồm có sáu dạng thức tổng quát sau đây:

- Cô thuận thạch: đá gầy guộc nhăn nheo.

- Viên hược thạch: đá tròn lẳn.

- Thấu lậu thạch: đá lồi lõm, có lỗ hang.

- Tượng hình thạch: đá tượng hình nhân vật hay đồ vật.

- Quái thạch: đá có hình dạng quái dị, cũng gồm có phần xấu xí.

- Thanh tú thạch: đá có vân sớ mạch lạc, nổi rõ; dáng vẻ đẹp, màu sắc nhu hòa. (trang 11).

Tuy có sáu dạng thức tổng quát, được mọi người chấp nhận; nhưng trên mặt sai biệt đặt trưng của từng loại đá, thì được phân ra làm nhiều loại khác nhau để phù hợp cho tính đa dạng của màu sắc. Nói chung là để phù hợp với cách chọn đá mà người ta phải dựa vào hình dạng, chất đá, màu sắc … theo những qui luật nhất định nào đó đã được chọn lựa và đặt tên cho chúng, để cho tên chúng được hợp thức hóa là “chính danh”. Tuy chúng ta đề cập đến rất nhiều phương pháp nghệ thuật (điều kiện cần và đủ) chơi đá trên mặt biểu tượng hình thức. Nhưng nguyên tắc cơ bản của thú chơi đá vẫn tôn trọng tuyệt đối “tính tự nhiên của đá” không cần bàn tay can thiệp của chúng ta vào hình dáng của chúng. Nếu như chơi đá mà không tuân thủ tính tự nhiên của chúng thì, chúng ta đi ngược lại nguyên lý tối hậu của kỳ thú này. Chơi đá từ nghệ thuật đến phi nghệ thuật là một phương thức tuy chúng có những chuẩn tắc, nhưng những chuẩn tắc này được xem như là cái thuật, cái phương tiện tạm thời để từ đó vượt qua khỏi chính nó, mà đạt đến mục đích “giản thạch bổ thần” tìm đến cái nhiên tính của trời đất, cùng hòa tâm mình vào với đá, mà vật thể này tự chúng nói lên được cái tính tự nhiên của chúng đó là:

“Một vật thể có từ khởi thỉ, đã từng trải qua mưa nắng, gió sương, đã ngâm mình dưới sông sâu, suối cạn và thời gian đã tạc lên đo những vết hằn hồng hoang, để lại vết tang thương dâu bể, và tạo nên hình tướng vô hình thề, không chủ ý, nhưng ở đó lai5co1 vẻ âm nhu tú lệ (thanh), vẻ cục mịch, vụng dại, thô xấu (sửu), vẻ cứng cỏi kiên liệt (ngoan), lại hồn phác đôn hậu (chuyết), lại hiển hiện vẻ độc đáo tyệt diệu của bàn tay tạo hóa (kỳ), lại biểu lộ sự mượt mà sáng loáng (tú), lại hiểm hóc kỳ khu (hiểm), và hàm chứa cái đẹp của hình dáng bất khuất, quanh co thông vào chỗ thâm sâu vắng lặng (u). Thanh, sửu, ngoan, chuyết, kỳ, tú, hiểm, u là những đặt phẩm cấu thành vẻ đẹp tổng thể của một tác phẩm nghệ thuật mà đá có thể có sở đắc.” (trang, 17-18).

Đó là sự (nghệ thuật) cần thiết để từ đá mà chúng ta đạt đến lý tính (phi nghệ thuật) của đá trong vấn đề ngoạn thạch. Ngoài nghệ thuật cần cho đá ra, ở đây chúng ta còn cần sự phối hợp hài hòa giữa đá và bối cảnh chung quanh (không gian) thì, nền, đài, bệ, giá, kệ …. tùy thuộc vào màu sắc, chất đá, hình dáng của khối đá mà chúng ta trình bày. Và do đó, nghệ thuật chơi đá trở nên phong phú và, đa dạng hơn trong cuộc sống của chúng ta.

II . Thạch ngoạn, một pháp phi nghệ thuật, vì phương pháp thưởng ngoạn đá không có bất cứ một phương pháp chuẩn mực nào để thể hiện cái nhìn đúng về sự vật cả. Vì chúng luôn luôn tùy thuộc vào kiến thức từng cá nhân của mọi người được thể hiện qua cái nhìn của họ về khối đá. Do đó, nói đến việc giám thưởng để được hoàn thiện về nó thì rất khó mà xác định:

“Sự hoàn thiện luôn luôn ở phía trước: Cục đá được nhặt về và giám thưởng cả đời cũng chưa ai dám nói là đã hie633u tường tận.” (trang 5).

Ở đây, chính vì sự không hoàn thiện của việc thưởng lãm đá đến nơi cùng tận của nó, cho nên sự giới hạn của chúng được đặt ra trên bình diện tương đối, cho một giới hạn nào đó trong quan niệm kiến thức về cách thưởng lãm theo nhãn quan của từng người. Do đó, chúng không có tiếng nói chung cuộc như Thiền tông khi vượt qua khỏi những tắc Công Án, hay những câu Thoại Đầu được đặt ra cho hành giả. Tuy nhiên, bốn mươi ba bức tranh đá này, nếu đem trình diện trước nhãn quan của các hành giả Thiền tông thì, chúng sẽ trở thành những tắc Công án. Nhờ vậy mà chúng luôn luôn ở trong dang tự tại, lúc nào cũng hấp dẫn mọi người. Vì chúng tự tại cho nên không ai có thể nắm bắt được chúng. Khi mà một vật không thể nắm bắt được thì càng không thể thủ đắc được thì, vật ấy càng hấp dẫn hơn. Nhưng chính nhờ sự không thủ đắc được này mà chúng lay động được tâm thức mọi người, để từ đó chúng trở thành cái bị vượt qua. Vì thế bốn mươi ba bức tranh đá màu này, trước hết chúng chỉ được coi như là những vật đã được thủ đắc trong cái diện tương đối qua những tên được đặt của chúng và, chúng luôn luôn tùy thuộc vào biểu cảm của những người thưởng lãm áp đặt lên chúng. Chúng ta cũng là những người thưởng lãm, chúng ta không cần phải độc những dòng chữ được ghi dưới mỗi bức tranh, mà chúng ta cũng có quyền nhìn chúng qua biểu cảm của chính riêng mình, chứ không nhất định là phải như thề này hay như thế kia theo cái nhìn của họ. Chính vì không có tiếng nói chung về mặt tương đối, cho nên từ đây chúng hình thành một cái nhìn khác về sự vật, với con mắt của nhà Thiền là “từ đâu đến và sẽ đi về đâu?” chúng sẽ biến thành khối nghi và, từ những khối nghi này, nếu biết cách đẩy chúng đến chỗ tận cùng thì, ngay tức khắc dưới chân những khối đá này sẽ vỡ tung, biến thành hư không trong cái nhìn thực hữu.

Chuyện chơi đá (ngoạn thạch) nói chung và, thưởng lãm đá (thạch ngoạn) nói riêng còn rất dài, xin mọi người tìm đọc kỹ hơn quyển sách nói trên (Nghệ thuật chơi đá ngoạn thạch của đồng tác giả: Lý Lược Tam, Huỳnh Ngọc Trảng, xuất bản Mỹ thuật 1997.) Ở đây chúng tôi xin tạm kết bài viết này với bốn câu thơ “Đề Khoản” trên bức vẽ trong sách “Tắc thiên thạch phổ” mà hai tác giả đã việt dịch ra nơi trang 7.



“Đá tựa bồ đoàn trải vạn niên


tới nay chán kẻ đến tham thiền


Mười năm nếu được tâm như đá


ngồi rách bồ đoàn ngộ đại thiên …”



Già Lam, đầu xuân mậu dần, 1998.

Đại Lãn

Read More
Người đăng: Phổ Đồng on Thứ Ba, 13 tháng 10, 2009
0 nhận xét
categories: | | edit post




Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Kính bạch Giác linh Thầy,
Những điều này đáng ra môn đồ pháp phái đệ tử chúng con đã bộc bạch với Thầy trong thời gian cử hành tang lễ; nhưng vì hòan cảnh vào lúc ấy không cho phép chúng con được quyền làm việc này, nên phải mãi đến hôm nay, tại Tổ đình Thiền Lâm nhân ngày chung thất trai tuần Thầy, chúng con mới đủ duyên để làm được cái quyền này.
Kính bạch Giác linh Thầy,
Môn đồ pháp phái đệ tử chúng con thường nghe: Cha mẹ tác tạo ra tấm thân ngũ uẩn chúng con, Thầy Tổ tác thành Giới thân Tuệ mạng cho chúng con. Nhưng sắc thân năm uẩn này thì, luôn biến dịch từ khi mới sinh ra cho đến khi khôn lớn hiểu biết và, cho đến lúc về già đã biến dịch đổi thay theo sự chi phối của luật vô thường, chúng tùy thuộc vào thời gian qua sự sinh diệt biến dị của nhân duyên sinh khởi; trong khi tánh giới của pháp thân tuệ mạng thì bất sinh bất diệt, vượt qua khỏi sự chi phối của không gian và thời gian. Qua đó, chúng con cảm nhận rằng ân đức tác thành giới thân tuệ mạng, chúng con không thể nào dùng bút mực để diễn tả lên giấy trắng mực đen, hay bày tỏ lên bằng vào ngôn ngữ lời nói để thể hiện lòng tín thành báo đáp ân Thầy trong muôn một!
Bảy mươi chín năm thác tích bụi trần, trong đó hơn sáu mươi năm thừa hành Phật sự:
Đối với bản thân, Thầy lúc nào cũng giữ gìn giới châu thanh tịnh, liên tục tinh tấn nhẫn nhục nghiêm khắc với chính mình nhằm thanh tịnh hóa ba nghiệp thân khẩu ý qua cuộc sống, cộng với lòng từ bi, hỷ xả và, cuộc sống đơn giản tri túc của Thầy trong công phu tu tập, đã biến Thầy thành Người sạch như băng tuyết, nó được thể hiện qua việc làm chủ cuộc sống hằng ngày và, trong việc làm chủ lấy cái chết của mình trong tư thế kiết tường lúc ra đi của Thầy; chúng đã nói lên tất cả những gì chúng con muốn nói.
Đối với mọi người, Thầy luôn luôn khiêm cung, từ hòa, nhỏ nhẹ, rộng lượng trong giao tiếp qua kham nhẫn và hỷ xả. Thầy vì lòng từ bi mà hiến dâng trọn đời mình cho sự nghiệp nghiên cứu dịch thuật, giáo dục cùng việc nuôi dạy đào tạo Tăng tài cho mai hậu. Thầy không ngại tuổi già sức yếu, tù tội, bệnh họan vây quanh đã vì tương lai Phật pháp, vì đàn hậu tiến mà dan tay gánh vác, hướng dẫn, bão bọc từ miếng cơm manh áo cho đến việc truyền trao giáo pháp cao minh của đức từ Phụ cho Tăng chúng. Thầy đáng xứng danh là bậc long tượng trong chốn Thiền môn, Người vừa thể hiện thân giáo vừa thề hiện ngôn giáo một cách sinh động qua cuộc sống và trong dạy dỗ. Qua đó chúng con và mọi người đã học được rất nhiều bài học Phật pháp từ đơn giản được thể hiện qua cuộc sống chính bản thân Thầy đến ý nghĩa sâu xa qua sự giảng dạy sinh động dí dõm trong ví dụ, đã làm cho chúng con nắm bắt một cách nhanh chóng những cốt lõi cơ bản trong lối trình bày. Đó là những gì môn đồ đệ tử chúng con lúc nào cũng nhớ nghĩ đến Thầy, điều mà chúng con viết về Thầy chúng đã thể hiện qua những nhận xét của Hòa Thượng Thích Trí Quang sau khi nghe tin Thầy an nhiên thị tịch trong tư thế kiết tường như hình ảnh đức Đạo sư nhập Niết-bàn. Hòa Thượng đi điếu cho Thầy bốn câu kệ, mà trước nay Hòa Thượng chưa từng đi cho bất cứ Hòa Thượng, Thượng tọa, Đại đức chúng Tăng nào, chúng nói lên tất cả cuộc đời của Thầy đã thể hiện trong sanh-bệnh-tử của chính mình:
Phụng cúng chúng Trung tôn
Thiện thuận giải thoát giới
Bệnh tử bất khổ thân
Thị thắng dị thục tướng.
Có lẽ nhờ nhân duyên nhiều đời nhiều kiếp, nên chúng con đã gặp Thầy, được làm môn đồ pháp phái đệ tử của Thầy. Chúng con được hân hạnh hầu cận bên Thầy một thời gian khá lâu; những gì đáng dạy thì Thầy đã dạy cho chúng con vừa khẩu giáo vừa thân giáo. Có những lúc chúng con lầm lỗi vấp ngã Thầy như một người cha vực dậy, nghiêm khắc chỉ dạy ngay đến cả roi vọt; nhưng sau đó Thầy như là một người mẹ hiền bỏ qua mọi chuyện, an ủi, khích lệ chúng con. Cho dù sau này vì nhân duyên chúng con ít gần gũi bên Thầy để được đích thân quỳ gối bên Thầy, nghe những lời dạy từ Thầy, hay được nghe những buổi giảng của Thầy về kinh-luật-luận như trước kia về khẩu giáo; nhưng chúng con cũng có thể học được Phật pháp từ nơi thân giáo của Thầy. Hình ảnh nghiêm từ như người cha khả kính của Thầy được thể hiện qua bốn oai nghi đi đứng nằm ngồi của giới thân thanh tịnh oai nghiêm, những lời động viện, khuyến khích học hành đối với chúng con tuy có ít ỏi; nhưng đó là những động cơ thúc đẩy mạnh đã làm tăng lòng tín tâm nơi chúng con đối với giới pháp và những lời dạy của đức Phật. Thầy như một từ mẫu, không riêng gì đối môn đồ phap phái đệ tử chúng con tại Tổ đình, mà nhất là đối với Tăng chúng tại các Phật học viện, Thầy lúc nào cũng lo lắn đến việc tạo dựng kinh tế tự túc cho chúng Tăng, để cho chúng Tăng khỏi tự lo cho mình về miếng cơm manh áo, mà chí tâm vào việc tu học. Thầy đã vất vả chạy xuôi chạy ngược các tỉnh trong khắp cả nước từ Quảng Trị cho đến Cà mâu đề lo về giáo dục và, lo về kinh tế cho chúng Tăng trong các Phật học viện vào lúc bấy giờ (trước năm 1975). Hơn nữa nhờ giới đức từ bên trong Thầy đã lan tỏa ra đã khiến cho những người chung quanh khi tiếp xúc với Thầy luôn luôn mang lại cho họ niềm an lạc hoan hỷ yên ổn.
Ân đức vô lượng vô biên ấy đối với môn đồ pháp phái đệ tử Thiền Lâm nói riêng chúng Tăng cả nước nói chung và, nhất là Tăng Ni Nhatrang, chúng con chưa kịp báo đáp thì than ôi! Thầy chợt ngã bệnh trong vòng hai tháng đúng và, đã vĩnh viễn ra đi mãi mãi. Thế là từ nay:

Trượng thất Long sơn vắng bóng Thầy,
Trăng dòm song cửa lạnh lò hương
Mùi thơm giới đức còn quanh quẩn
Gió thỏang vô thường vắng tiếng chuông!

Chốn Tổ Thiền lâm lá rụng đầy
Gót hài ký ức nạm xanh rêu
Ảnh chìm long vị Người không thấy
Chim lạc đường mây khản tiếng kêu!

Hải đức Già lam hoa lá lay
Nguyệt tà hương quyện gió đưa sang
Mùi hương đạo hạnh như còn mãi
Thiền thất lạnh lùng trăng tỏa hương.

Kính bạch Thầy,
Thầy thường dạy chúng con “Vô thường thị thường.” Hãy nắm lấy tinh túy cốt tủy của nó mà làm chủ sống chết. Tuy chúng con biết thế nhưng trước cảnh sinh ly tử biệt, trước sự ra đi của Thầy chúng con không làm sao cầm được nước mắt, chúng con mất đi trái tim nhân hậu Bồ-tát hạnh của Thầy, chúng con biết nương tựa vào đâu trong những lúc như lúc này?
Hôm nay nhân ngày lễ chung thất Thầy, chúng con kính bộc bạch lên Thầy những gì chúng con muốn bộc bạch trong những ngày lễ tang của Thầy, nhưng chưa đủ duyên để trình lên Thầy. Nay chúng con quỳ trước linh đài, thành kính nguyện noi gương Thầy trên bước đường phụng sự đạo pháp và dân tộc; trong đó việc đào tạo Tăng tài tiếp Tăng độ chúng cho mai hậu và, nghiên cứu phiên dịch kinh tạng là ước nguyện chính của Thầy trong sự nghiệp giáo hóa độ sinh. Chúng con nguyện sẽ noi theo và thực hành lấy “Trí tuệ làm sự nghiệp” cho chúng con như Thầy thường dạy. Và nhân đây chúng con xin kính ngưỡng mong Thầy vì sự nghiệp “Thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sinh” mà Thầy hồi nhập ta-bà để hướng dẫn diều dắt chúng con chuyển phàm thành Thánh, chuyển mê khai ngộ. Chúng con xin thành tâm kính lạy giác linh Thầy chứng giám và, cảm niệm thâm ân giáo dưỡng của Thầy đối với môn đồ pháp phái đệ tử chúng con.
Nam mô từ Lâm tế chánh tôn tứ thập nhị thế Thiền Lâm đường thượng húy thượng Thị hạ Khai, tự Hạnh Huệ, hiệu Đỗng Minh tôn sư giác linh thùy từ chứng giám.

Thay mặt môn đồ pháp phái đệ tử
Đại Lãn - Thích Đức Thắng



Read More
Người đăng: Phổ Đồng on Thứ Bảy, 10 tháng 10, 2009
0 nhận xét
categories: | | edit post



Sau khi Hòa Thượng Thích Trí Quang nghe Thượng tọa Nguyên Giác trình lên Ngài những hiện tượng đã xảy ra đối với Thầy và, những giờ phút lúc lâm chung trước khi Thầy tôi vĩnh viễn ra đi. Hòa Thượng Thích Trí Quang đã đi điếu cho Thầy bốn câu kệ, chúng nói lên tất cả cuộc đời của Thầy đã thể hiện việc trong sống-bệnh-chết của chính mình,

Phụng cúng chúng trung tôn
Thiện thuận giải thóat giới
Bệnh tử bất khổ thân
Thị thắng dị thục tướng.
Tạm dịch:
Phụng hiến bậc tôn quí giữa chúng
Đã khéo tu theo giới giải thoát
Nên bệnh-tử không làm khổ thân
Đó là tướng quả báo thù thắng.

Kính viếng bậc đáng tôn quí giữa chúng Tăng, Người đã khéo léo thuận tu theo giới giải thóat, nên việc bệnh-chết đã không là làm khổ đến thân người, đó chính là tướng quả báo thù thắng (thiện báo). Đó là những gì Hòa Thượng Thích Trí Quang đã ưu ái tán dương cuộc sống đối với Thầy, điều này hình như chúng tôi chưa bao giờ nghe thấy Hòa Thượng đã tán dương bất cứ vị nào khi qua đời như vậy ngoài câu đi điếu thông thường “A-di-đà Phật”. Và Thượng tọa Tuệ Sỹ, tuy Thầy không ra được lại Nhatrang thăm Thầy chúng tôi lần cuối cùng, trước giờ phút ra đi vĩnh viễn, là vì đang bị quản chế, nhưng vẫn liên hệ thường xuyên với chúng tôi. Thầy đã nhờ Thượng tọa trụ trì Quảng Hương Già Lam Thích Nguyên Giác đọc trước Kim Quan Thầy chúng tôi bốn chữ dành để viếng cho Thầy: “TỊNH NHƯ BĂNG TUYẾT”.
Đó là những gì Thầy đã thể hiện trong cuộc sống của chính mình qua pháp tu thanh tịnh hóa ba nghiệp thân-khẩu-ý của Thầy được thể nghiệm qua bốn oai nghi đi đứng nằm ngồi theo Giới luật của đức Thế tôn trong hiện quán, cộng với bốn tâm vô lượng được Thầy kết hợp một cách nhuần nhuyễn vào trong cuộc sống của mình. Từ sự thực hành đúng giáo pháp trong cuộc sống như vậy để đưa đến một cái chết theo ý muốn trong an nhiên tự tại, đó là những biểu hiện giá trị của sự nhiệm mầu đối với giáo pháp đức Thế tôn để lại. Qua cuộc sống tịnh như băng tuyết và trước cái chết Thầy đã lảm chủ theo ý muốn của Thầy một cách an nhiên tự tại đã cho chúng ta biết được mọi giá trị linh nghiệm về những lời dạy của đức Thế tôn, nếu chúng ta biết áp dụng khế cơ thì cuộc sống sẽ trở nên an lạc và tự tại.
Như mọi người ai cũng biết, cũng thấy, cũng nghe về cuộc sống tri túc của Thầy: Hơn ba mươi năm một đôi dép cao su, ba y thay đổi, ngày một bữa ngọ và hai bữa tiểu thực cùng chúng Tăng đúng giớ đúng giấc tại trai đường chùa Long Sơn, và những vật dụng cần thiết cho một cuộc sống đơn giản nếu không muốn nói là thô sơ thiếu thốn đối với một Thầy tu bình thường theo đức Phật quan niệm. Trong phòng Thầy ngoài tủ vừa để thờ kính vừa để kinh sách, một giá để chuông, một chiếc bàn gỗ thô sơ cũ kỹ, một chiếc ghế gỗ, một chiếc giường gỗ ngủ đã ngã màu và, một chiếc võng gai đu đưa trong phòng, ngoài ra thì không còn gì nữa. Khi nào có khách thì Thầy tiếp ngoài hành hiên nơi đặc những băng ghế gỗ dài và, cũng chính nơi thóang mát này Thầy làm việc cho mỗi ngày (giờ nào việc nấy) trong việc dịch kinh luật và chứng nghĩa. Đó là cuộc sống của Thầy sau ngày niềm nam Việt nam mất, còn trước đó thì Thầy ở trong một cái cốc đơn sơ trên một ngọn đồi với một người thị giả. Ngày hai buổi mang dù đi làm kinh tế cho chúng Tăng, ngoài công việc này Thầy còn bỏ thì giờ ra để dạy dỗ chúng Tăng, lúc đó còn là một Phật học viện. Cuộc sống của Thầy rất có giờ giấc: Lúc nào làm việc, lúc nào giảng dạy, lúc nào ngủ nghỉ, lúc nào thư giản, lúc nào thể dục, lúc nào ăn uống, lúc nào lễ Phật thì đâu vào đấy không sai một tí nào, ngoại trừ những trục trặc xảy ra ngoài ý muốn. Chúng tôi có diễm phúc được gần gũi hầu Thầy trong vòng sáu năm hơn từ cuối năm 1963 đến 1969. Mặc dù là đệ tử của Thầy, nhưng sau năm 1969 chúng tồi phải vào Già Lam Sàigòn để học Đại học và cho đến ngày hôm nay chúng tôi vẫn ở Sàigòn. Vì hòan cảnh xã hội nên chúng tôi không ở gần Thầy, kể từ đó cho đến nay. Trong thời gian hầu cạnh bên Thầy, nói là hầu Thầy chứ thật ra hồi đó Thầy đi làm cả ngày, chỉ có gặp hầu Thầy vào buổi tối không thôi. Việc hầu Thầy thật ra ngòai việc giặt dũ áo quần hai ngày một bộ đồ nâu sồng, quét nhà quét sân, tưới cây ra thì, chúng tôi không còn làm gì cả ngoại trừ việc học hành theo chương trình giáo dục của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất vào lúc bấy giờ dành cho các Phật học Viện, học Tăng phải học song song cả hai chương trình nội điển và ngoại điển cùng lúc. Cuộc sống của Thầy vào lúc ấy thật là đơn giản, đơn giản hơn cả bây giờ nữa: Vào lúc đó mỗi tối Thầy đi nghỉ đúng 9 giờ và 4 giờ 30 sáng (giờ lúc đó, bây giờ là 3 giờ 30) là dậy, tự thân nấu nước châm trà uống và tụng kinh lễ Phật, sau đó làm vệ sinh cá nhân; đến 6 giờ 30 sáng dùng điểm tâm cùng Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm tại cốc Ngài và, sau đó là mang dù đi xuống hảng Vị Trai lá Bồ-đề làm kinh tế tự túc cho chúng Tăng, đến 10 giờ 30 về dùng ngọ trai cùng Hòa Thượng, sau đó nghỉ trưa và, đúng 2 giờ 30 là đi làm việc, 4 giờ 30 về dùng tiểu thực, sau đó thư giãn cho đến 9 giờ đi nghỉ. Ngoài ra Thầy còn những giờ đứng lớp dạy cho học Tăng, những môn như Duy Thức học, Nhân Minh luận Phật giáo và những môn khác nữa nếu Phật học viện cần Giáo thọ sư cùng những công tác Phật sự giáo dục lúc bấy giờ của Giáo hội. Nhìn chung cuộc sống tri túc đơn giản của Thầy trước kia và bây giờ chúng vẫn không có gì khác nhau; tuy nhiên về mặt làm việc thực hành thì khác: Trước kia Thầy bỏ thì giờ làm kinh tế nuôi dưỡng chúng Tăng thì, bây giờ thay vào việc làm kinh tế Thầy bỏ công ra nghiên cứu dịch thuật kinh luật nhiều hơn và, nhất là vấn đề phối hợp hành trì giới luật với việc áp dụng bốn tâm vô lượng (Tứ vô lượng tâm) được Thầy đem ra áp dụng thực hành trong hiện quán qua cuộc sống một cách triệt để hơn qua tinh tấn nhẫn nhục. Thầy luôn tự nhũ phải tự thắng chính mình và, trong đó có cả việc tự thắng với bệnh tật cùng cái chết, không để chúng chi phối cuộc sống trong hiện quán của Thầy. Thầy đã bị bệnh Tiểu đường hơn mười lăm năm trời, cộng thêm bệnh áp huyết cao nữa, nhưng đối với Thầy bệnh tật cũng chỉ là một nóm thuốc hay để trị căn bệnh tham vọng phát sinh như điều thứ nhất trong 10 điều tâm niệm trong luận Bảo Vương Tam-muội đã dạy: “Nghĩ đến Thân thể thì đừng cầu không bệnh tật, vì nếu không bệnh tật thì tham dục dễ sinh.” Vì vậy cho nên Thầy đối với bệnh tật tự coi đó như là một liều thuốc để trị bệnh vậy, nên trong cuộc sống của Thầy đối với bệnh tật không là gì, hơn nữa Thầy coi đó như là một thứ duyên đủ để hình thành định lý Duyên khởi biến dịch qua chuyện sống-bệnh-chết được luật tắc vô thường chi phối thì, cứ để chúng tự nhiên như nhiên đến và đi như chính nó. Vì vậy theo Thầy, nếu phát hiện có bệnh thì chữa, còn việc thuyên giảm, hay nặng nhẹ gì đó thì, cứ tùy theo chúng mà thân ngũ uẩn này phải chịu không sao hết, chứ việc gì phải đi kiểm tra sức khỏe để ngăn ngừa các thứ bệnh nếu có làm gì! Do Thầy lúc nào cũng có quan niệm lạc quan như vậy, nên khi bệnh ung thư đa ổ của gan Thầy phát tác thì, lúc đó mới phát hiện ra mà đi chữa trị thì chúng đã thuộc vào thời kỳ chót rồi. Có lẽ bệnh nan y này có được là do biến chứng của bệnh tiểu đường mà ra, theo lời của các Bác sĩ chữa trị nói.
Hằng năm cứ vào những ngày cuối tháng 2 âm lịch mỗi năm Thầy vào Sài Gòn để dự lễ huý kỵ Hòa Thượng Già Lam Thích Trí Thủ. Năm này cũng vậy Thầy đã vào Sàigòn dự lễ ngày 01-03-Ất Dậu (09-04-2005); nhưng thần sắc vào lúc bấy giờ của Thầy không còn trong sáng nữa, ai cũng nhận thấy và biết như vậy. Sau đó Thầy trở về lại Nhatrang, và cũng từ đây sức khỏe của Thầy bắt đầu giảm hẳn, tự Thầy cảm thấy trong người bất ổn, ăn uống khó khăn hơn. Mãi cho đến vào buổi chiều ngày 18- 04-2005 (tức ngày 10-03-Ất Dậu) Thầy bị buồn nôn khi dùng tiểu thực. Các Thầy thị giả đã nhanh chóng liên hệ với cô Yến y tá, lo chăm sóc bệnh cho Thầy biết hiện tình của những hiện tượng vừa xảy ra chiều nay của Thầy, khi dùng tiểu thực cho chị biết và, nhờ chị liên hệ với bệnh viện Đa khoa Tỉnh Khánh Hòa xét nghiệm để tìm rõ căn bệnh. Sáng ngày 19-04-2005 (11-03-Ất Dậu), quý Thầy cùng Phật tử quyết định đưa Thầy đi bệnh viện tỉnh Khánh Hoà. Sau khi các Bác sĩ chụp hình, xét nghiệm, chẩn đoán xong, họ nghi Thầy bị u gan và đề nghị đưa Thầy vào Sài Gòn để kiểm tra cho chính xác hơn. Lập tức cùng ngày, quý Thầy đưa Thầy vào Sàigòn và, nhờ Thượng Tọa Thích Phước Trí chùa Van Phước giúp đỡ đưa Thầy vào bệnh viện Chợ Rẫy. Thầy nhập viện sáng ngày 20-04-2005 (12-03-Ất Dậu). Sau khi lập mọi thủ tục xét nghiệm, qua sự trung gian của Thầy Phước Trí và được sự giúp đỡ của chính Bác sĩ Giám đốc bệnh viện, nên mọi thủ tục rờm rà được bỏ qua và Thầy được dùng các máy móc hiện đại để kiểm tra, xét nghiệm. Sau đó các Bác sĩ hội chẩn đồng đưa đến kết luận:
1. Bệnh tiểu đường tuýp 2
2. Huyết áp cao
3. Nghi, K di căn gan đa ổ.
Sau nhiều lần xét nghiệm chẩn đóan nhưng tập thể Bác sĩ ở đây vẫn chưa dám xác định là bệnh của Thầy chính xác là ung thư gan đa ổ. Vì qua những bức phim chụp có thể kết luận được là như vậy, nhưng qua những xét nghiệm máu vẫn thấy máu mang âm tính, nên họ chưa dám xác quyết. Cầm lòng không đậu chúng tôi liên hệ với Bác sĩ Khóang ở bệnh viện An Bình, Bác sĩ trước kia đã trị bệnh thận cho Thượng tọa Tuệ Sỹ và, Hòa Thượng Thích Chí Tín, chúng tôi đem tất cả những hồ sơ bệnh án của Thầy về những kết luận của các Bác sĩ bệnh viện Khánh Hòa và bệnh viện Chợ Rẫy cho Bác sĩ Khóang xem qua. Bác sĩ thưa, chúng con sẽ giúp đỡ bằng cách chờ ngày chủ nhật, bệnh nhân có quyền về nhà thăm, chở Ôn qua bệnh viện An Bình, Chúng con sẽ chờ ở đây và đích thân đưa Ôn đi xét nghiệm. Sau khi chụp hình xét nghiệm xong, Bác sĩ đưa ra kết luận cũng giống như các Bác sĩ ở chợ Rẫy và Nhatrang, nhưng Bác sĩ có lưu ý một nghi ngờ về những hang ổ ở trong gan có thể là do các vi khuẩn của những con sán tạo thành vết (ổ) và, xin các Bác sĩ ở Chợ Rẫy khám xét lại về những nghi ngờ này, nếu những vết (ổ) này không phải do sán lá gan hay nấm tạo ra thì đích thị là bị K di căn gan đa ổ!
Sau khi chúng tôi đem những hồ sơ đã nhờ Bác sĩ Khóang khám nghiệm cho các Bác sĩ bệnh viện Chợ Rẫy xem lại thì, Bác sĩ Đào, người trực tiếp coi sóc bệnh tình cho Thầy đã vui vẻ đồng ý là sẽ làm theo yêu cầu của Bác sĩ Khóang, vì theo như lời Bác sĩ Đào thì Bác sĩ Khóang là Thầy của Bác sĩ trước đây. Sau đó Thầy được đưa đi làm tất cả các xét nghiệm trở lại và chuyển các hồ sơ này qua bên khâu chuyên môn về ung bướu của bệnh viện, cuối cùng ở đây họ kết luận một cách chắc chắn là Thầy đã bị ung thư gan đa ổ. Theo Bác sĩ Khóang và các Bác sĩ ở đây thì tối thiểu trong vòng năm tháng và tối đa là mười tháng nữa Thầy sẽ ra đi.
Qua gần chín ngày ở bệnh viện Chợ Rẫy, các bác sĩ đã tận tình chữa trị nhưng bệnh Thầy vẫn không thuyên giảm. Vào sáng ngày 28-04-2005 (2o-03-Ất Dậu), các bác sĩ bên khoa ung bướu bệnh viện Chợ Rẫy cho khám nghiệm lần chót, nhưng thật ra họ đã có kết luận rồi, chỉ chở Thầy qua khám nghiệm qua loa gì đó rồi cho Thầy về phòng và, yêu cầu người có trách nhiệm về việc nuôi bệnh Thầy vào văn phòng để họ cho biết kết quả chính xác và yêu cầu chúng tôi ký vào các thứ giấy tờ cần thiết và cho làm giấy xuất viện luôn.
Trưa hôm đó chúng tôi cùng các Thầy thị giả bàn với nhau về việc đưa Thầy về Nhatrang, cuối cùng chúng tôi đã quyết định đưa Thầy về bằng máy bay trong đó có tôi và Thầy Nguyên An sẽ theo hầu Thầy. Còn ngoài Nhatrang, Thầy Minh Thông sau khi về Nhatrang có việc Phật sự trên đường đem xe vào đón Thầy ra, giữa đường thì hay tin Thầy sẽ về bằng máy bay nên đã trở lại đón Thầy và chúng tôi tại phi trường Camranh. Sau khi bàn bạc xong chúng tôi liên hệ với Hòa Thượng Đức Chơn nhờ mua cho ba vé máy bay đi Nhatrang vào ngày mai, nhưng cuối cùng không được phải nhờ đến Thượng tọa Thích Phước Trí và, cũng nhờ Thầy, chiều cỡ 4 giờ mang xe đến đón Thầy về chùa Già lam thăm Hòa Thượng Thích Trí Quang cùng Tăng chúng Già Lam. Chiều hôm đó Thầy về tu viện Quảng Hương Già Lam để thăm Ôn Trí Quang và quý Thầy lần cuối.
Đúng 4 giờ 30 sáng hôm sau Thượng tọa Phước Trí cho xe xuống Già Lam đón Thầy và chúng tôi ra phi trường Tân Sơn Nhất để đáp máy bay về Nha Trang. Sau khi Thầy được ngồi trên xe lăn theo lối đi đặc biệt dành cho người bệnh, và sau đó Thầy và chúng tôi gặp lại trên phi cơ. Suốt trong thời gian hơn nửa tiếng đồng hồi ngồi trên phi cơ, Thầy vẫn vui vẻ tuy là có hơi mệt, sau khi phi cơ đáp xuống phi trường Camranh, Thầy cũng được một chiếc xe lăn, do nhân viên phi trường đưa ra tận dưới thân phi cơ để đón Thầy vào và, đưa ra tận xe đón Thầy. Sau khi lên xe Thầy được để nằm trên một chiếc ghế nằm dài thõa mái trên xe. Khi xe ra khỏi cổng phi trường, xe dừng lại và dìu Thầy đi tiểu, sau đó lên xe và tiếp tục về đến Nhatrang. Tại chùa Long Sơn, Hòa Thượng Thích Chí Tín, quí Thầy, các học Tăng và một số Phật tử đã có mặt tại đây để chờ đợi đón Thầy. Thầy ngồi đây hàm huyên tâm sự cùng Hòa thượng Chí Tín và chư Tăng cùng Phật tử cỡ nửa tiến đồng hồ, sau đó Thầy được chư Tăng và các Thầy thị giả đưa lên phòng chỗ ở của Thầy.
Chúng tôi ở lại tại đây cho đến ngày Thầy ổn định tất cả là ba ngày, sau đó Thầy đã kêu chúng tôi vào bảo Đức Thắng thôi về trong đó lo việc đi, ở đây Thầy đã được quí Ôn quí Thầy, các y, bác sĩ tận tình giúp đỡ rồi đừng lo gì hết. Khi nào cần thì sẽ nói quí Thầy ở đây kêu ra. Sáng hôm sau chúng tôi từ giả Thầy về lại Sàigòn và nhờ quí Thầy thị giả và cô y tá ở đây, khi nào Thầy có việc gì gấp quan trọng thì cho chúng tôi biết vì lúc bấy giờ chúng tôi đang ở trong thời gian an cư kiết hạ cấm túc, nên việc đi đứng hạn chế tối đa. Trong thời gian chúng tôi ở Già lam thỉnh thỏang vài ba hôm thì liên hệ với các Thầy thị giả, để hỏi thăm bệnh tình của Thầy nặng nhẹ như thế nào.
Từ ngày Thầy trở về lại Nhatrang, ở đây quý Thầy đã kết hợp với các Bác sĩ Đông-Tây y, tiếp tục điều trị cho Thầy. Mặc dù quý Thầy cùng với các Bác sĩ hết lòng chữa trị, nhưng bệnh của Thầy vẫn không thuyên giảm. Một hôm bất chợt chúng tôi gặp Thầy Tâm Nhãn từ Nhatrang vào và, cho hay là bệnh tình của Thầy hiện đang trở nên nặng hơn. Thầy không đi lại được nữa, cho dù có người dìu. Bây giờ muốn cho Thầy đi đâu thì phải đặt Thầy lên một cái ghế có bánh xe mà đẩy đi chứ không còn đi lại hoặc dìu đi như trước kia được nữa, sau đó Thầy đi lo một số công việc khác cho Ôn.
Cũng ngày hôm đó 13-06-2005, tức là ngày 07-5-Ất dậu, sau khi Thầy Tâm Nhãn đi lo công việc cho Ôn thì Đức Thắng nhờ Thầy Thông Trí đi mua cho ba vé tàu lửa cho tôi, Thông Đạt, cùng Thông Trí đi Nhatrang vào cùng ngày hôm đó. Sáng ngày 14-06-2005 tức là ngày 08-05-Ất Dậu chúng tôi đã có mặt tại chùa Long Sơn Nhatrang. Ba anh em chúng tôi lên hầu thăm Thầy, khi mở cửa bước vào phòng Thầy, chúng tôi thấy Thầy hiện đang nằm trên võng cùng ba Thầy thị giả vây quang, Thầy im lặng không nói gì. Chúng tôi vội quì xuống gần võng, miệng không mở được lời nào, nước mắt cứ như từ đâu tuôn trào ra, tôi cầm lòng không được và cứ như thế để cho dòng nước mắt tự do tuôn chảy. Đúng là Thầy không còn bao nhiêu ngày nữa rồi! Thầy cũng không nói lời nào và, khóe mắt của Thầy cũng đang rưng rưng có lẽ vì xúc động, Thầy thị giả lấy khăn lau mắt Thầy. Sau đó chúng tôi thay đổi nhau hầu Thầy, lúc này giọng nói và âm thinh phát ra của thầy bắt đầu lơ lớ hơi khó nghe một chút, đó là ngày 15-06-2005. Sang qua ngày 16-06-2005 vào lúc hơn 2 giờ chiều Thầy tỏ ra mệt nhiều và hơi khó thở, lúc này nhịp đập của tim trở nên lọan xạ hơn. Chúng tôi cho Thầy Minh Thông và cô y tá Nguyễn thị hoàng Yến đang túc trực biết tình trạng của Thầy vừa xảy ra như vậy, nhờ Thầy và cô y tá liên hệ với Bác sĩ bệnh viện Khánh Hòa đến khám, đo và điều chỉnh lại nhịp đập của tim giùm. Sau khi Bác sĩ đem máy móc lên khám, đo và, cho biết kết quả của những hiện tượng của nhịp đập con tim như vậy là do độc tố của căn bệnh gan đã xông đến tim, nên tim không còn giữ được chức năng điều hòa nữa, có thể một trong hai ngày nữa chúng sẽ lên đến não và lúc đó Thầy sẽ bị hôn mê trong vòng hai ngày và ra đi luôn. Bác sĩ và cô y tá bảo họ đã chuẩn bị thuốc giảm đau cho Thầy, khi nào cơn bệnh lên cơn đau đớn thì họ tim thuốc vào để cầm đau. Lúc này chúng tôi thấy nguy cơ Thầy sẽ đi sớm không là bao, nên chúng tôi gọi phone vào Saigòn báo cho Thầy Trù trì Già lam Thích Nguyên Giác và nhờ trình lên Hòa Thượng Thích Trí Quang, HT. Thích Đức Chơn, Thượng tọa Thích Tuệ Sỹ, Thầy Lê Mạnh Thát cùng quí vị quen biết ở Sàigòn. Đêm hôm đó, thân Thầy không còn làm chủ được mọi kiểm sóat của đại tiện và tiểu tiện nữa; có điều là vì lúc này Thầy không ăn uống gì nhiều ngoài nước mật ong pha lõan với nước thỉnh thỏang cho thầy uống, nên vẫn còn việc đi tiểu. Mấy hôm trước thì khi nào muốn đi tiểu thì Thầy kêu các vị thị giả hầu cận bên Thầy dìu Thầy đi hoặc ẵm lên ghế đưa vào toilet, nhưng hôm nay mặc dầu Thầy vẫn rất tĩnh táo đối với mọi việc, nhưng khi biết muốn đi thì Thầy kêu đã không kịp rồi hắn tự động ra. Vì vậy cho nên chính tôi thỉnh thỏang cứ năm mười phút là vào phòng Thầy để kiểm sóat và phát hiện những trường hợp như vậy là kêu các vị thị giả thay đồ rồi lau cho Thầy ngay.
Sang ngày 17-06-2005, cũng như mọi ngày thường lệ, khuya Thầy thức vào lúc 3 giờ 30 và, lúc này các Thầy thị giả cũng dậy theo Thầy hết để làm mọi thủ tục hằng ngày, và quây quanh bên Thầy chuyện trò, nhưng rất tiếc là lúc này Thầy không còn nói được nhiều như trước đây, và giọng nói cũng trở nên rất khó nghe hơn, vì lưỡi của Thầy đã bị độc tố xâm chiếm tạo thành những vết thương làm cho lưỡi phải bị tê liệt một phần nào đó, nên lưỡi Thầy nói không được rõ ràng lắm. Có việc gì cần lắm Thầy mới nói, còn không thì thôi. Như thường lệ đúng 6 giờ sáng đưa Thầy ra bao lơn trước thư viện Thầy trò và mọi người quây quần ở đây, chuyện trò thăm hỏi nhau sau một ngày đã qua và chúc một ngày mới an lành. Sau khi Thầy điểm tâm bằng soup xay nhuyễn, hay các thức ăn mền cùng trái cây, chúng tôi và các vị thị giả đưa Thầy vào, nhưng riêng ngày hôm qua và hôm nay Thầy không ra ngòai mà dùng điểm tâm tại phòng luôn. Hôm nay trong người Thầy có hơi khác lạ, Thầy luôn biết mọi biến chuyển trong thân mình. Chúng tôi đôi khi sợ Thầy đau đớn vì cơn bệnh hành hạ, có hỏi Thầy:
“Thầy có đau đớn gì không?”
Thầy đáp:
“Thật ra, có đôi lúc nó đau rêm rêm, chứ không đau lắm.”
Nhiều lúc chúng tôi nghĩ rằng: Có thể vì Thầy sợ chúng tôi lo lắn nên trả lời như vậy, để chúng tôi yên lòng khỏi lo. Nhưng thật ra chúng tôi rất lo về tình trạng đau đớn của con bệnh nan y quái ác này, thường hành hạ bất cứ bệnh nhân nào, lỡ đã cưu mang chúng. Như chúng ta thường thấy thường nghe các Bác sĩ, y tá và mọi người nói về chúng, chúng thường hành hạ nạn nhân trước khi nạn nhân qua đời. Chúng tôi thường theo dõi Thầy trong lúc đang ngủ. Vì chỉ có lúc này con bệnh nổi lên mới có thể hiện ra cho chúng tôi biết được, khi Thầy đang ngủ không làm chủ được xác thân trong lúc ngủ say. Nhưng rõ ràng không hề cho thấy bất cứ một hay hai ba lần gì đó vô tình cho chúng tôi biết trong lúc Thầy ngủ, vì chúng tôi luôn túc trực và thay đổi nhau để thức theo dõi Thầy trong lúc ngủ. Do vậy nên chúng tôi mới tin thật là Thầy không nói dối để cho chúng tôi an lòng khỏi lo! Cho đến giờ phút này, cái giờ phút mà các Bác sĩ và y tá bảo là chất độc của con bệnh ung thư này đã xâm nhập vào đến tim Thầy, chúng đang tạo ra những hiện tượng làm cho nhịp đập của tim không tự chủ được nữa và, chỉ còn một vài ngày nữa là công lên não làm cho Thầy hôn mê trước khi mất. Cho nên họ đã chuẩn bị cho Thầy những thứ thuốc tốt nhất trong việc làm giảm cơn đau. Nhưng cho đến giờ này vẫn chưa có dấu hiệu nào chứng tỏ rằng Thầy bị đau đớn và sẽ bị hôn mê, Thầy vẫn sáng suốt trong mọi trường hợp, trong mọi ý nghĩ, chỉ có hiện tượng mệt đang xuất hiện, và lời nói của Thầy không còn được rõ cho lắm vì những vết thương bệnh đã và đang xuất hiện trong lưỡi Thầy. Nhân trong lúc Thầy còn đang sáng suốt chúng tôi có đưa ra vấn đề mà trước đây Thầy đã dặn dò ký thác về việc hậu sự cho Thầy, với Hòa Thượnmg Thích Chí Tín Trụ trì chùa Long Sơn, và cũng đã dặn dò chúng tôi trước đây vài ngày. Chúng tôi đưa ra trường hợp Giáo hội hiện tại có thể làm theo ý của họ, nếu không có di chúc của Thầy, điều họ đã tự ý làm như đám của Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm, nên chúng tôi có trình những ý nghĩ đó với Thầy! Thầy đã gục đầu đồng ý là họ sẽ làm như vậy, nhưng trong lúc này Thầy không còn đủ sức để cầm viết, viết bản DI CHÚC được. Lúc này chúng tôi gợi ý là chúng con có thể làm bản THỪA HÀNH DI CHÚC và, được sự đồng ý và chữ ký đóng dấu của Hòa Thượng Thích Chí Tín và sẽ đem lên Thầy ký vào bản Thừa Hành Di Chúc này thì, Thầy gật đầu đồng ý. Sau khi chúng tôi lập xong bản Thừa Hành Di Chúc đã được Hòa Thượng Thích Chí Tín ký và đóng dấu, chúng tôi đem lên Thầy ký vào để chứng minh và ấn chứng. Trong lúc Thầy ký chúng tôi cũng chụp hình để làm bằng, vào lúc bấy giờ là 9 giờ 25 phút ngày 17-06-2005 tức là ngày 11-05-Ất Dậu. Sau khi dùng bữa trưa xong Thầy nghỉ trưa cỡ nửa tiếng đồng hồ, sau đó bảo thị giả đưa Thầy xuống võng. Lúc này Thầy và các Thầy thị giả nói chuyện vui với nhau, tinh thần lúc này của Thầy tỏ ra tỉnh táo hơn bao giờ hết, hình như Thầy đang hồi dương theo như từ mà người đời thường nói, tiếng nói của Thầy lúc này cũng rõ ràng và có lực. Đúng 13 giờ 30 Thầy cho thị giả kêu tôi vào để Thầy dặn dò. Khi Đức Thắng vào ngồi bên cạnh võng Thầy, Thầy bảo:
“Những gì đáng dạy thì Thầy đã dạy rồi. Hỗm nay Đức Thắng ra đây cũng khá lâu bốn năm ngày rồi, thế là cũng đủ rồi. Thôi Đức Thắng hãy vào lại Sàigòn mà lo các công tác Phật sự khác.”
Lúc đó vì để làm yên lòng Thầy, Đức Thắng đã thưa với Thầy:
“Dạ vâng, ngày mai hay mốt gì con sẽ trở vào Sàigòn lại. Thầy an tâm đi!”
Sau đó Thầy nhắc đến Tâm Hạnh với Đức Thắng, nhưng vì Đức Thắng hơi vội vàng cho người chạy kêu Tâm Hạnh. Nhưng thật ra sau đó Thầy nói tiếp:
“Đức Thắng coi chừng Tâm Hạnh, ….!” Lúc này Đức Thắng mới vỡ lẽ ra là Thầy lưu ý Đức Thắng về Thầy Tâm Hạnh chứ không phải bảo kêu Tâm Hạnh để dặn dò. Nhưng lúc này vị Thầy được sai đi kêu đó đã đi lâu rồi nên khỏi cần kêu lại, muộn rồi! và tiếp đó là Tâm Hạnh xuất hiện. Sau khi Tâm Hạnh xuất hiện thì Thầy im lặng luôn không nói bất cứ lời nào nữa và, cứ như vậy Thầy nằm im lặng ngó lên tường và trần nhà phía trước nơi chúng tôi có đã thiết trí sẵn tượng Phật A-di-đà. Lúc này sức khỏe Thầy tỏ ra yếu dần trở lại và, thị lực của Thầy cũng bắt đầu bị thu hẹp, khỏang cách của tượng Phật cũng dần dần sát gần hơn. Vị trí ban đầu của tượng Phật bây giờ Thầy không còn thấy nữa và, Thầy đã ra dấu hiệu cho chúng tôi để tượng Phật sát gần hơn và gần hơn nữa. Mãi đến lúc 14 giờ 30 Thầy bảo đưa Thầy lên giường và, cũng từ đó Thầy ra hiệu ngưng dùng các loại thuốc, rồi Thầy nằm nghiêng theo dáng đức Phật nhập Niết-bàn, chánh niệm niệm Phật. Trong lúc này chúng tôi và tất cả quí Thầy thị giả đều ngồi vây quanh giường Thầy im lặng chánh niệm thầm niệm Phật. Đến 18 giờ hơn Thầy tỏ vẻ muốn uống nuớc và các vị thị giả đặt Thầy nằm ngửa một tí để dùng nước xong lại trả lại vị thế kiết tường nằm nghiêng phía tay phải như cũ và, cũng kể từ đây Thầy ra hiệu là không dùng nước nữa. Lúc này nhịp đâp của tim qua hơi thở của Thầy bắt đầu yếu đi, thưa ra dần và, cho đến lúc đúng 18 giờ 35 phút chiều Thầy hắt hơi thở cuối cùng một cách nhẹ nhàng ra đi vĩnh viễn. Thầy đã an tường xả bỏ báo thân trong tư thế kiết tường, giữa âm vang niệm Phật của Tứ chúng.
Qua Bảy mươi chín năm thác tích bụi trần, trong đó hơn sáu mươi năm thừa hành Phật sự. Đối với bản thân, Thầy lúc nào cũng giữ gìn giới châu thanh tịnh, liên tục tinh tấn nhẫn nhục nghiêm khắc với chính mình nhằm thanh tịnh hóa ba nghiệp thân khẩu ý qua cuộc sống, cộng với lòng từ bi, hỷ xả và, cuộc sống đơn giản tri túc của Thầy trong công phu tu tập, đã biến Thầy thành Người sạch như băng tuyết, hay như từ mà đức Từ phụ thường dùng để chỉ cho các vị Tăng tu hành phạm hạnh giới châu thanh tịnh vào lúc bấy giờ là “Tăng vô sự” nó được thể hiện qua việc làm chủ cuộc sống hằng ngày và, trong việc làm chủ lấy cái chết của mình trong tư thế kiết tường lúc ra đi của Thầy, chúng đã nói lên tất cả những gì chúng tôi muốn nói. Đó chính là cái kết quả nhiệm mầu của giáo pháp đức Phật đã thể hiện qua việc làm chủ được cái chết chính mình qua bốn sự kiện vi diệu nhiệm mầu được chúng tôi sẽ đúc kết sau đây:
1/ Hiện tượng vi điệu nhiệm mầu thứ nhất: Qua hình ảnh cái chết trong tĩnh giác theo ý muốn của chủ nhân đã biến cái xác thân này trở thành phụ thuộc vào ý chí. Ở đây nếu Thầy muốn ngồi trong tư thế kiết già để xả bỏ báo thân cũng được, hay bất cứ tư thế nào nếu Thầy muốn. Đây là hiện tượng vi điệu nhiệm mầu thứ nhất.
2/ Hiện tượng vi diệu nhiệm mầu thứ hai: tuy thân đã cưu mang một căn bệnh hiểm nghèo nan y quái ác của thế gian, nhưng nhờ Tâm Thầy đã làm chủ được cuộc sống trong hiện quán nên Thầy đã thắng khỏi bệnh tật, không bị bệnh tật làm cho thân thể Thầy đau đớn như người thường qua con bệnh ung thư gan (đa ổ này), thắng luôn cả thời gian theo các Bác sĩ thì bệnh của Thầy thời gian tối thiểu là 5 tháng và cho đến tối đa là 10 tháng, nhưng mà ở đây từ khi phát hiện ở giai đọan cuối của con bệnh cho đến ngày Thầy ra đi là 2 tháng đúng và, Thầy thắng luôn cả sự hôn mê sẽ xảy ra sau một vài hôm nữa, thời gian hôn mê phải trải qua hai ngày tối thiểu theo các Bác sĩ chuyên môn và kinh nghiệm về bệnh này, nhưng hiện tượng này lại không xảy ra.
3 / Hiện tượng vi diệu nhiệm mầu thứ ba: vì trong lúc ra đi thân thể Thầy không bị co giựt như những hiện tượng bình thường của người đời, nên da thịt gân cốt trong cơ thể Thầy vẫn mềm nhũn mặc dù có hơi lạnh của một tử thi đáng lý phải cứng đơ sau khi qua đời, nhưng thân thể Thầy mềm nhũn như nguời còn sống. Đó là hiện tượng vi diệu nhiệm mầu thứ ba mà chúng tôi và mọi người ở đây, chưa từng nhìn thấy bao giờ mà nay đã nhìn thấy tận mắt tận tay qua việc lau người thay pháp phục cho Thầy trước giờ nhập kim quang.
4/ Hiện tượng vi diệu nhiệm mầu thứ tư: Ngoài ba kết quả đưa đến hiện tượng vi diệu nhiệm màu như trên về chính bản thân Thầy ra, còn có một hiện tượng vi diệu nhiệm mầu thứ tư do thiên nhiên mang lại vào lúc trước giờ nhập kim quang Thầy độ một vài phút đã xảy ra một trận mưa nhẹ năm mười phút rồi ngưng ngay, tại chính chùa Long Sơn, còn các nơi khác của Nhatrang có hay không thì chúng tôi không biết. Hiện tượng mưa này mọi người đều gọi là: “Hiện tượng trời đất cảm động rơi lệ.” Hiện tượng này nói ra có vẻ là tán dương hơi quá, hay mê tín dị đoan; nhưng trên thực tế vào lúc trước giờ nhập kim quang cho Thầy đã xảy ra như vậy. Vì hiện tượng mưa vào mùa này tại Nhatrang nói ra đúng là chuyện hy hữu, khó tin vì mùa này là mùa hè nóng bức, trước đó không mưa sau đó không mưa! Nhưng đó là một sự thật.
Qua bốn sự kiện vi diệu nhiệm mầu có được về việc ra đi của Thầy, cho chúng ta thấy rằng: Đây chính là cái kết quả tất yếu của công hạnh tu hành phạm hạnh, sạch như băng tuyết của Thầy mang lại như bốn câu kệ mà Hòa Thượng Thích Trí Quang đã ân cần, cẩn trọng khi đi viếng tiễn biệt lần cuối cùng đối với Thầy. Chúng là tấm gương sáng để các hàng Thích tử hậu bối và các hàng Phật tử chúng ta noi theo những giá trị có thể có được, nếu chúng ta biết cách thực hành đúng theo pháp Phật đã dạy. Tùy theo từng căn cơ của mỗi người mà theo đó học tập thực hành áp dụng vào trong cuộc sống của chính mọi người thì, những điều vi diệu nhiệm mầu của những lời dạy đức Đạo sư sẽ mang lại ngay cho mọi người những giá trị thực tiễn rõ ràng trong thực nghiệm hiện tiền cho chính cá nhân mỗi người, mà còn được nhơn thiên cung ngưỡng cúng dường và, cảm động đến cả trời đất nữa.

Read More
Người đăng: Phổ Đồng on Thứ Năm, 14 tháng 5, 2009
0 nhận xét
categories: | | edit post

Qua sự nghiệp trước tác và dịch thuật của Hòa Thượng thì phần thơ chiếm một tỷ lệ quá ít đối với các phần dịch thuật và sáng tác khác nhất là về Luật và, còn ít hơn nữa đối với cả một đời Ngài đã bỏ ra phục vụ đạo pháp và dân tộc, qua nhiều chức năng nhiệm vụ khác nhau nhất là giáo dục và văn hóa là chính của Ngài. Tuy chúng nói lên rất ít ỏi, nhưng không vì thế mà chúng không mang lại cho chúng ta một cái nhìn chính xác và rõ ràng hơn về cuộc đời của Ngài và, cũng từ đây chúng ta mới thấy rõ được chân dung của một bậc Thầy vĩ đại qua chí nguyện kiên cường của Ngài trong việc “Thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh.” một cách trọn vẹn như trong bài :

“Đốt nén tâm hương trước Phật đài
Phổ Hiền hạnh cả nguyện nào sai
Hiện thân cát bụi vào muôn nẻo
Cứu bệnh trầm kha khắp mọi nhà.”
(tụng Kinh Hoa Nghiêm cảm tác)

Chính hạnh nguyện của Ngài Phổ Hiền Bồ-tát đã chắp cánh cho Ngài bay lên cao hơn và, hình như Ngài đã thật sự khế hợp với pháp môn này. Qua bốn câu thơ như là vừa tán dương hạnh cả của Ngài Phổ Hiền và cũng như là vừa lập nguyện cho chính mình; những tương ưng ở đây thật tuyệt vời cho khắp không gian vô cùng và thời gian vô tận, nó nói lên chí nguyện bền chắc lâu dài qua hai đức trí tuệ và từ bi được thể hiện từ hạnh nguyện. Nhưng trước khi Ngài muốn thể hiện hạnh nguyện này Ngài đã phải trải qua những năm tháng lau sạch bình bát trong chức năng nối dòng nghiệp Thánh không biết là bao lâu, Ngài đã thật sự không còn nhớ nữa:

“Tào khê nước chảy về đông
Bình bát nối dõi lâu không nhớ ngày
Trăng thiền nào có khác xưa
Viên Thành ấn chứng đã dày công tu.”

(Nước Tào Khê)

Những huân tập thiền đã đưa đến sự bùng vỡ trong tu tập “Trăng thiền nào có khác xưa” đó chính là cái nhân để từ đó Ôn cất cánh bay xa, đó cũng chính là những nổ lực ban đầu trong việc thượng cầu Phật đạo của Ngài và, chúng luôn được thể hiện qua cuộc sống sau này được thể hiện từ cuộc sống trong hạ hóa chúng sanh không bao giờ ngừng nghỉ qua việc vừa giữ tâm mình luôn luôn trong sáng cùng đem trí tuệ đó sáng soi cho mọi người:

“Nội hạc chưa ngừng sân Lão thọ
Ngàn mây còn vướng ngõ Hoàng Mai
Non xanh, pháp nhãn hoa Linh Thứu
Nước biếc, thiền tâm bóng Thiện Tài.”
(cảm tác xuân Canh Tuất)

Trước hết, trong hiện tại tấm lòng của Ngài đang được những hình ảnh và các biểu tượng như nội hạc, ngàn mây, non xanh, nước biếc và cây sân Lão, ngõ Hoàng Mai, hoa Linh Thứu, bóng Thiện Tài đang nuôi dưỡng và làm lớn mạnh hạt giống an lành giải thoát trong cuộc sống của chính Ngài, đó chính là cửa ngõ bước vào Không tâm của ánh sáng trăng thiền nào khác xa xưa và, sau nữa là ánh sáng đó Ngài vẫn giữ mãi nó không bao giờ đánh mất:

Đốt nén hương nguyền thề sám hối
Trước sau giữ trọn chữ Không Tâm.”
(Xuân Quý Mão cảm tác)

Trong phương tiện tương đối để chúng ta bước vào cửa Không của không cửa nhà Tổ thì đương nhiên những hình ảnh và những biểu tượng đó cần phải có để chúng ta lấy làm phương tiện làm nhân cho những bước đi giải thoát kế tiếp, do đó chúng ta rất cần có những phương tiện đó. Chính vì chúng là những phương tiện tạm thời cần thiết, nên chúng chính là những nhân tố không thể không có cho chúng ta trong lúc thực hiện hạnh nguyện thượng cầu hạ hóa; nếu không có chúng chúng ta sẽ bị kẹt vào trong thiên chấp của sắc không và, luôn luôn bị chúng trói buộc vào tà kiến đảo điên thị phi khó thoát ra được, như vậy chúng ta cầm chắc sẽ bị trôi lăn mãi trong đường sanh tử luân hồi sáu cõi. Ở đây nếu ai ngộ ra được cảnh giới sắc không không tịch, không tự tính này thì sẽ nhận ra được Bát-nhã tính không trong suốt của không tâm và cũng sẽ nhận ra được việc làm của Ôn đối với đất nước và dân tộc này:

“Tâm sự sắc không ai có biết?
Kìa gương Bát-nhã vốn trong ngời.”
(Xuân Mậu Thân)

Ở đây, từ không tâm của phương tiện đến Không Tâm của cứu cánh, nó cũng giống như sự khác biệt giữa chữ Phật của mê và chữ Phật của ngộ vậy, có nghĩa là khi mê gọi là chúng sanh khi ngộ gọi là Phật thế thôi. Do đó cảnh giới của sắc không chúng ta cần phải thông suốt, nếu không thông suốt ắt sẽ bị chúng làm chướng ngại trong ý niệm “có-không” và, như vậy không đời nào chúng ta vượt qua khỏi sinh tử luân hồi được. Ở đây Hòa Thượng sau khi chính tự thân Ôn đã tỏ ngộ được thể cảnh giới sắc không cùng những diệu dụng của nó như thế nào rồi, thì sau đó Ngài liền nghĩ ngay đến sứ mạng hạ hóa chúng sinh của minh đói với tha nhân như thế nào?

“Sứ mạng làm tròn thân đệ tử
Chiếu đèn diệu huệ giữa đêm sâu.”
(cảm niệm Phật thành đạo)

Sứ mạng của các hàng đệ từ đức Đạo sư là trên tìm mọi cách để chứng đạt được đạo vô thượng Bồ-đề, dưới hoàn thành sứ mệnh hóa độ mọi loài chúng sanh để họ được như mình; đây là một sứ mạng cao cả cho chính tự thân và tha nhân. Khi hai sứ mệnh này hoàn thành trọn vẹn thì lúc đó chúng ta mới hoàn toàn đạt được an vui giải thoát vĩnh viễn. Đó cũng chính là tâm sự gần xa của Ôn khi nhìn hòn non bộ bản đồ Việt Nam mà chạnh nghĩ đến hiện tình đất nước dân tộc và đạo pháp:

“Dù cho Nam Bắc đôi đường,
Đốt lò hương nguyện bốn phương một nhà;
Sớm hôm hướng nẻo Phật đà,
“Sắc, Không” tâm sự đường xa nỗi gần.”
(Cảm đề Non bộ bản đồ Việt Nam)

Tâm sự đường xa nỗi gần của Ôn đối với tha nhân phát xuất từ lòng từ bi được phát khởi từ trí tuệ không tâm Bát-nhã mà Ngài đã tìm lại được nơi chính mình qua diệu huệ của hạnh nguyện thượng cầu hạ hóa theo gương Bồ-tát Phổ Hiền. Hòa Thượng luôn luôn ý thức về những trở ngại trên bước đường hoằng hóa lợi sinh của mình, nhưng với sự quyết tâm của mình trong tự lợi và lợi tha Ôn vẫn bước đi không một chút do dự, miễn sao bước đi của mình vừa lợi mình lợi cho người thì Ngài không ngại:

“Dù phải chịu muôn ngàn gian khổ
Con hết lòng vì đạo hy sinh
Nương từ quang tìm đến bảo thành
Đặng tự giác giác tha viên mãn.”
(Quỳ trước điện)

Con đường đi đến tự giác giác tha và để hoàn thành giác hành viên mãn thì, ngoài vấn đề hy sinh chịu gian khó qua sự thể hiện đức tính từ bi còn phải có sự quyết tâm và nổ lực hết mình trong tinh tấn mới có thể hoàn thành được hạnh nguyện của chúng ta được, nếu không thì sẽ bỏ dở giữa đường, đó chính là con đường đưa đến giác hành viên mãn:

“Hướng về muôn đức từ bi
Đường lên giác ngạn quyết đi tận cùng.”
(hướng về)

Và Ôn luôn luôn nuôi dưỡng hạnh nguyện này qua những sách tấn chính mình thường ngày trong cuộc sống. Những chất liệu nuôi dưỡng cho chính bản tâm Ngài mang chất liệu từ đức tin từ bi kiên cố vào chân lý mang đậm nét trí tuệ, cộng thêm những nổ lực tinh tiến tự nguyện của tự thân dẫn đến mọi sự an lạc cho chính Ngài trong tu tập:

“Một lòng kính lạy Phật đả
Ngàn đời con nguyện ở nhà Như lai
Con hằng bận áo Như lai
Con ngồi pháp tọa Như lai muôn đời.”
(tụng kinh Pháp Hoa cảm tác)

Trí tuệ và từ bi là đôi cánh được nối thêm để Hòa thượng vượt qua biển khổ sinh tử và hoàn thành sự nghiệp giải thoát cho chính Ngài, vì vậy chúng luôn luôn hiện hữu trong cuộc sống của chính Ngài trong việc thực hành hạnh nguyện Phổ Hiền của minh. Và cũng từ việc thực hiện hạnh nguyện của mình đối với tự thân và tha nhân qua chí nguyện thượng cầu Phật đạo hạ hóa chúng sanh trong chức năng có được của mình đối với dân tộc và đạo pháp mà Ngài đã chịu không biết bao nhiêu là cay đắng khó khăn thậm chí đến tai tiếng nữa; nhưng Ngài với tâm không của mình vì tự lợi và lợi tha vì dân tộc và đạo pháp mà Ngài cam tâm gánh chịu mọi khổ đau và tai tiếng đó:

Cay đắng nếm dư đầu chót lưỡi
Khen chê nghe đủ giữa vành tai.”
(Xuân Mậu Thân)

Sự chấp nhận của Ngài qua những phản ứng chung quanh đối với Ngài không hẳn chỉ là những tiếng bất lợi mà còn có những lời khen ngợi khuyến khích nữa; nhưng giờ đây những khen chê, buồn vui đối với ngài không còn là vấn đề để đặt ra và xét lại trong phân biệt nữa, mà là một chấp nhận với tâm không, do đó Ngài luôn lưôn dùng nụ cười thay thế cho những phản ứng của Ngài về những dư luận chung quanh:

Sáu bảy xuân thu giữa cuộc đới
Buồn vui mừng giận khéo trêu ngươi
Thân này đã hứa cùng non nước
Vinh nhục khen chê chỉ mỉm cười.”
(Cảm tác sinh nhật 67 tuổi)

Nụ cưới của không tâm luôn thể hiện, chỉ có mình biết mình mà thôi, dù thế nhân có hiểu mình hay không hiểu mình cũng mặc, vì chính Ngài mới biết được việc làm của mình và với không tâm thì sẽ không tạo ra tác nhân, mà đã không tạo ra tác nhân thì làm gì có thọ quả thế thôi. Với Không tâm đối với tự thân và đối với mọi người, thật sự giờ này có lẽ không gì có thể trói buộc được bước đi của Ngài, Ngài sống với duyên đến, theo với duyên đi, cho dù là bất cứ hoàn cảnh nào đi nữa; thì việc làm đúng nghĩa tùy duyên nên trở thành tự tại.

“Xuân về Mậu Ngọ tuổi lai hy
Chẳng dám khoe chi chẳng muốn gì
Bảo ở thì ừ hoan hỷ ở
Kêu đi âu cứ tự nhiên đi
Cảnh khô lá úa mai nhưng nụ
Mây cuốn sương tan đá vẫn lỳ
Vô tận không thời vô tân ý
Thị chưa từng bận ngại gì phi.”
(xuân Mậu Ngọ)

Đó chính là cách sống đúng của những người con Phật theo đúng nghĩa chỉ dạy của bậc Đạo sư trong sự nghiệp hoằng pháp độ sinh của Ngài. Lúc này mọi chướng ngại nhau trong cuộc sống sẽ được dung thông tất cả trong thời-không vô tận. Ở đây không còn bất cứ một ý niệm nào sai biệt chống trái nhau hết cho dù đó là thị hay là phi trên mặt hiện tượng tương đối của sự tướng và, thật sự đây chính là cảnh giới giải thoát hiện tiền của những người con học Phật thực hành theo Phật.
Qua những vần thơ chúng tôi trích ra từ tập I trong ba tập của Trí Thủ toàn tập, cho chúng ta một cái nhìn đúng hơn về Ngài và, cho chúng ta thấy được cái vĩ đại của Ngài trong chí nguyện thượng cầu Phật đạo hạ hóa chúng sanh, cùng sự thể hiện nếp sông tự tại qua cuộc sống. Chúng ta những kẻ hậu bối đi sau chỉ ghi lại những gì có được một cách ít ỏi qua những bài thơ của Ngài để lại, đối với toàn bộ những gì Ngài đã cống hiến cho Phật Giáo Việt Nam và dân tộc này qua sự nghiệp giáo dục và văn hóa của Ngài như lược sử và những cống hiến được ghi lại qua ba tập Trí Thủ Toàn tập đã ghi lại để chúng ta có thể nhận thức đúng hơn về Ngài.

Read More
Người đăng: Phổ Đồng on Thứ Tư, 8 tháng 4, 2009
0 nhận xét
categories: | | edit post

Ở đây chúng tôi nêu lên chủ đề trên, có lẽ ai cũng có thể hiểu Thiền Định dành chung cho mọi người từ lớn cho đến nhỏ, từ già cho đến trẻ, từ xuất gia cho đến tại gia, từ nội giáo cho đến ngoại giáo, đều có thể thực hành được, điều đó là một cách hiểu đúng chính xác không sai. Nhưng ở đây, chủ đề trên được đề cập nhiều hơn dành cho giới Tịnh Độ tông, và Mật tông, vì chúng đang bị những chướng duyên trong nội giáo làm chao đảo tín tâm của họ, mà thủ phạm không ai khác hơn là giới tự nhận cho mình là Thiền tông đã mang lại cho họ (Ở đây chúng tôi không có tâm đố kỵ hay hủy báng chê bai gì về Thiền tông, mà chúng tôi nêu lên những sự sai lầm của cá nhân những người tự nhận mình là người thực hành Thiền tông, không theo đúng cốt tủy của Thiền tông mà tự mình sáng lập ra phương pháp tu rồi tự cho đó là Thiền tông Việt nam vào cuối thế kỷ 20, và cũng từ đó ra sức chống báng chê bai Tịnh độ tông và Mật tông, chứ chúng tôi không phải hủy báng hay chê bai gì về Thiền tông cả; vì chính bản thân người viết bài này là người đang thực hành Thiền tông, và chúng tôi nói lên lập trường của Thiền tông là giải thoát, bình đẳng, chứ không phải lập trường tranh hơn thua, đúng sai, phải trái, thị phi để rồi hủy báng nhau, bôi mặt đá nhau; mà ở đây chúng tôi đứng trên lập trường tồi tà phụ chánh).
Đúng như lời đức Phật đã từng tuyên thuyết trong Kinh Lăng nghiêm và nhiều kinh khác rằng: thời kỳ mạt pháp là thời kỳ Ma có thể đội lớp Phật tuyên thuyết lời Phật dạy. Chúng có thể ở dưới bất cứ hình thức nào miễm làm cho người con Phật tin rằng họ là Phật, thì Ma cũng có thể làm được hết, họ luôn luôn nói lời Phật nhưng việc làm của họ là việc làm của Ma.’ Không Ma sao được, khi mà họ muốn xiển dương Thiền tông của họ thì họ lại đi hủy báng đạp đổ Tịnh độ tông, Mật tông để tranh thắng, dành người về phần họ ( xin đọc quyển “BA VẤN ĐỀ TRỌNG ĐẠI TRONG ĐỜI TU CỦA TÔI,” H.T. T. Thanh Từ viết, do nhà xuất bản Hà nội x.b.1998); trong khi đó họ lại đi xiển dương cái gọi là Thiền tông do tự họ chế ra cọng với sự cóp nhặt, vá víu lại một cách mâu thuẫn, rồi dựng lên cái gọi là Thiền tông Việt nam vào cuối thế kỷ hai mươi. Ngay trong pháp tu mà họ đưa ra có sự sai lầm, mà chính người đưa ra pháp tu cũng không biết là sai lầm thì thử hỏi họ có kinh nghiệm gì về kết quả tu của chính họ hay không, chứ đừng nói chi đến việc dạy người khác tu để đưa đến chứng ngộ hay giải thoát!? Pháp tu “TRI VỌNG KHÔNG THEO hay BIẾT VỌNG KHÔNG THEO” tự nó bẻ gãy chính nó, tự nó đạp đổ chính nó, tự nó vô hiệu hóa chính nó. Vì sao chúng tôi gọi pháp tu này là sai lầm, là tà kiến rơi vào đoạn diệt, tự nó bẻ gãy chính nó, tự nó đạp đổ chính nó, tự nó vô hiệu hóa chính nó? Vì Biết vọng không theo, có nghĩa là khi chúng ta biết rõ bộ mặt thật của các pháp là hư vọng, là vọng tưởng điên đảo, thì chúng ta sẽ không theo nó nữa, vậy có nghĩa là chúng ta đoạn tuyệt chúng, không theo các pháp hư vọng nữa chứ gì? Nhưng ở đây có một điều nghịch lý mâu thuẩn mà người chế ra pháp tu này không thấy, đó là “pháp tu BIẾT VỌNG KHÔNG THEO, nó là pháp vọng hay nó là pháp chân? Nếu bảo nó là pháp VỌNG thì pháp tu BIẾT VỌNG THÔNG THEO cũng là vọng, mà đã là VỌNG thì không theo. Vậy thì người chế ra pháp tu này lấy cái gì để TU? Vì ngay pháp tu BIẾT VỌNG KHÔNG THEO cũng là pháp vọng, vì chúng không ở ngoài vọng, do đó chúng ta không theo nó; như vậy, pháp tu này đã bị chúng ta loại bỏ nó như muôn nghìn pháp vọng khác rồi!? Còn trường hợp nếu chúng ta BIẾT CHÂN thì có theo hay không theo?! Giải quyết nó như thế nào? Trong khi đó đức Phật dạy PHIỀN NÃO TỨC BỒ ĐỀ, SANH TỬ TỨC NIẾT BÀN, (Đại thừa Trang Nghiêm kinh luận, q. 6 phẩm Tùy tự, hay Đại Trí độ luận, q. 6 v.v...) hay SẮC TỨC THI KHÔNG, KHÔNG TỨC THI SẮC (trong hệ thống Kinh Bát Nhã) ; và cũng tư tưởng này kinh Lankavatàra (Nhập Lăng Già) nói về sự liên hệ giữa Sanh Tử và Niết-bàn, hay Phiền não và Bồ-đề giống như sự liên hệ của Sóng và Nước. Ở đây nếu chúng ta bỏ sóng để có nước, thì nước này làm gì có được, cũng vậy nếu muốn có Bồ-đề mà bỏ Phiền não, thì làm sao có Bồ-đề được?! Vì sự hiện hữu của chúng sanh trong cõi đời này là kết quả của hiện thân duyên nghiệp mê lầm do vọng tưởng điên đảo chấp trước tạo ra, nên trong lúc chúng ta tu cũng là phải dùng Vọng để chuyển Vọng, cũng giống như dùng gai nhổ gai, dùng độc trị độc. Vậy nếu VỌNG TƯỞNG PHIỀN NÃO bị loại bỏ không theo nó nữa, thì lấy chi để chúng ta đạt Bồ-đề? Nó chính là chiếc Thuyền, đưa chúng sanh qua bên bờ Giác ngộ (như kinh Xà Dụ Trung bộ I, và Kinh Kim Cương đã dạy), nó là ngón tay chỉ mặt trăng, để nhờ ngón tay hành giả thấy được mặt trăng. Thế mà nay chúng ta không cần nó, không theo nó, không nhờ nó để vượt đến bờ Giác ngộ, thì thử hỏi chúng ta đi bằng cách nào đây!? Nếu không dùng độc để trị độc, không dùng gai để nhổ gai, không vào hang hùm thì làm sao hàng phục được hùm?! Tu là sửa vọng, nhưng ở đây lại không theo vọng tức là bỏ vọng? Vâäy ở đây chúng ta lấy cái chi để chúng ta sửa nó thành chân, trong lúc vọng đã bị loại, bị vất bỏ, bằng cách không theo; ngay đến pháp Biết vọng không theo, chúng ta cũng không dùng pháp này để tu nữa, vì chính bản thân của pháp tu này cũng là vọng?! Hơn nữa cái biết vọng này, ngay chính chúng cũng là cái biết của vọng; vì cái biết này là cái biết phân biệt chấp trước, nó thuộc dạng đã được lựa chọn hoặc THEO, hay KHÔNG THEO, chứ nó không phải cái biết không phân biệt chấp trước của Ngài Khuê Phong-Tông Mật: BIẾT VỌNG LÀ TU, hay như cái Biết chứng ngộ của nhị Tổ là cái THƯỜNG BIẾT RÕ RÀNG, NÓI KHÔNG THỂ ĐẾN, hay cái biết Giác ngộ như trong “GIÁC MÊ, MÊ DIỆT” của Phật, do đó cái vọng mà chúng ta biết đó không thể diệt được. Nếu như cái BIẾT VỌNG đã được phân biệt của H.T. là KHÔNG THEO mà diệt được vọng, hay làm cho vọng lắng xuống khiến tâm trở nên thanh tịnh như H.T. nói, thì thế gian này ai cũng có thể thành Phật một cách dễ dàng, không cần tu chi hết, chỉ cần TRI VỌNG KHÔNG THEO là thành Phật, là giác ngộ rồi, và chính H.T. cũng là Phật rồi cần chi phải khổ sở tìm cách này hay cách khác hủy báng chê bai Tịnh độ tông và Mật tông? Khi mà cái vọng này không chuyển được thì chúng ta sẽ phải tri vọng từ kiếp này sang kiếp khác, rốt cuộc rồi đâu cũng vào đó, không những thế mà khi chúng ta khởi tâm vọng phân biệt để biết tâm khởi đó là vọng hay là chân (của vọng) để theo với không theo, thì càng biết vọng nhiều chừng nào thì càng huân tập vọng nhiều chừng đó, vì theo đức Phật hễ khởi tâm phân biệt chấp trước đúng sai, phải quấy, tốt xấu, thì chính chúng ta tự tạo ra cho mình những sợi dây phiền não, tự trói mình. Như vậy rốt cuộc là chúng tự tạo nghiệp vọng vô minh thêm, chứ đâu phải tu để chuyển vô minh thành giác ngộ!? Khi tiền đề của nó chính bị nó phá, thì thử hỏi những mệnh đề lệ thuộc đi theo sau nó có còn đứng vững hay không? Đó là điều mà chúng tôi gọi pháp tu này là ĐOẠN DIỆT TÀ KIẾN là như vậy. Những điều này chúng tôi cũng có đề cập sơ qua trong hai quyển : “ĐƯỜNG VỀ HỐ THẲM” và “BUÔNG TAY HỐ THẲM” nhưng ở đó chúng tôi đề cập chúng theo cách điệu của Thiền tông, nên khó có người khám phá ra chỗ tận cùng của ý, muốn nói của chúng tôi. (ỞØ đây chúng tôi xin mở ngoặc một tí, ngay đến việc sau khi chúng tôi phê bình về pháp tu “BIẾT VỌNG KHÔNG THEO” của H.T. là ĐOẠN DIỆT TÀ KIẾN, thì có đệ tử của Ngài đến cật vấn chúng tôi là: Tại sao Thầy bảo pháp Tu của H.T. là Đoạn diệt tà kiến? Khi đó chúng tôi mới hỏi ngược trở lại người đến hỏi chúng tôi là: Vậy đạo hữu nghĩ pháp tu của H.T là VỌNG hay là CHÂN? Ông ta ngập ngừng một lúc rồi trả lời: Là Vọng! Chúng tôi hỏi tiếp: Nếu là Vọng thì lấy cái gì để cho H.T. và đạo hữu tu? Ông ta không trả lời được. Sau đó chúng tôi nói tiếp: Hãy cẩn thận! Đừng để mình đánh lừa mình, và người khác đánh lừa mình. Sau khi đưa Ông ra khỏi cửa chúng tôi có nhắn gởi lại với H.T. rằng: “GIÁC MÊ, MÊ CHUYỂN” đây là một sự thật chứ không phải “TRI VỌNG KHÔNG THEO” đâu! Nếu H.T. muốn pháp tu của mình đưa ra mà không sai lầm đoạn diệt thì nên sửa lại là: “TRI VỌNG, KHÔNG CHẤP.” Thì khả dĩ chấp nhận được, và sẽ không có sự sai lầm, vì chúng có khả năng để cho hành giả tiếp tục tu cho đến khi giải thoát được tất cả mọi thứ vọng. Ở đây không chấp khác với không theo, vì không theo là đoạn tuyệt không sống với vọng, trong khi không chấp, không có nghĩa là đoạn tuyệt với vọng, mà vẫn sống với vọng nhưng không chấp vào nó, nên không bị lệ thuộc vào nó, và không bị nó trói buộc. Có thế mới tránh được hai lỗi THEO và KHÔNG THEO của chấp thường và chấp đoạn. Như vậy pháp tu này chỉ sai lầm trong hai chữ KHÔNG THEO, chứ hai chữ TRI VỌNG thì hoàn toàn không có gì gọi là sai lầm cả. Trên là cách điệu hỏi đáp của Thiền tông, nếu ai cùng căn cơ thì nhận ra ngay yếu chỉ, còn không thì thật là khó vào.) Vì vậy cho nên chúng tôi mới có những lời dong dài này đối với mọi người, mà không ngoài mục đích là Tồi tà phụ chánh.
Cũng trong chiến dịch này, hiện nay, ở trong nước chúng ta cũng đã xuất hiện thêm một bóng Ma nữa đó là Thầy Chơn Quang, không hiểu chúng có liên hệ gì đến bóng Ma trước hay không, nhưng chúng cũng ra sức nổ lực hủy báng Tịnh độ tông, Mật tông và luôn cả Đại thừa một cách “mục hạ vô nhân,” thiếu hiểu biết, thuộc dạng điếc không sợ súng, hay ếch ngồi đáy giếng nhìn trời bằng vung. Họ đã và đang ra sức đánh phá Phật giáo, gây chia rẽ nhau bằng cách gây mâu thuẫn giữa nội bộ Phật giáo qua việc chống phá Tịnh độ tông, Mật tông, giữa Đại thừa và Tiểu thừa. Sở dĩ chúng tôi gọi họ là Ma vì, nếu họ là Phật thì không bao giờ họ lại đi hủy báng bậc đạo sư mà họ đang tôn thờ bao giờ, dù là hủy báng dưới hình thức nào đi nữa cũng là hủy báng. Thật ra họ đâu có hủy báng Phật bao giờ, nhưng có một điều mà họ không nhận ra được là họ đi hủy báng các tông phái khác của đức Phật cũng chính là hủy báng đức Phật, cũng là hủy báng chính mình mà họ không biết, hay họ có biết nhưng đó là nhiệm vụ của họ!? Chúng ta có quyền phê bình chỉ trích một cá nhân nào đó đã sai lầm trong việc xiển dương Phật pháp, chứ chúng ta không có quyền hủy báng một phương pháp nào đó của đức Phật dành cho căn cơ khác với căn cơ của mình. Nếu mình làm như vậy là vô tình mình hủy báng chính đức Phật, vì tất cả mọi pháp môn do Phật nói ra đều tùy theo căn cơ của chúng sanh mà Phật cho thuốc (pháp), với mục đích là làm lành con bệnh đó; và khi bệnh đã lành rồi thì lúc đó chính là lúc con bệnh được giải thoát (thân bệnh thì giải thoát đau khổ về vật chất cơ thể mà tâm họ không chịu nổi, Tâm bệnh thì giải thoát mọi khổ đau về phiền não vô minh). Vậy mục đích cuối cùng của các pháp môn đức Phật dạy là GIẢI THOÁT KHỔ ĐAU cho chúng sanh dưới mọi hình thức. Vì là vô lượng pháp môn để đối trị với vô lượng căn cơ bệnh, nên phải tùy thuộc vào căn bệnh mà cho thuốc chữa trị chứ không thể lấy thuốc trị bệnh này đem chữa cho bệnh nọ được, không thể lấy pháp dành cho người tu thiền ép buộc người tu Tịnh độ tu được v.v...
Nếu là một vị Thiền sư, một vị Pháp sư thì trước hết phải hoàn thiện nắm vững được những sở học của mình về Phật lý tổng quát cùng thâm nhập sâu vào pháp tu chuyên môn của mình, bằng cách thực hành để đưa đến việc tri hành hợp nhất rồi sau đó mới đi hướng dẫn người. Nếu không vậy thì người đó chưa phải là một Thiền sư , chưa phải là một vị Pháp sư chính hiệu; vì họ chưa nắm vững được bệnh án của chúng sanh trong việc cho thuốc chữa trị bệnh, nên việc hướng dẫn của họ không đạt kết quả, nhiều lúc đưa người ta đến chỗ tẩu hỏa nhập ma, hay đi vào đường ma lối quỷ, đó là chuyện có thể xảy ra không thể nào tránh khỏi được. Thí dụ như người có căn cơ tu Tịnh độ mà mình bắt họ phải tu theo Thiền chẳng hạn, thì điều gì sẽ xảy ra nếu họ không tẩu hỏa nhập ma, thì có lẽ cũng khùng khùng điên điên, hay mát mát gì đó suốt cả một đời không gỡ nổi, vì chính vị thầy hướng dẫn họ đâu có kinh qua những kinh nghiệm này! Và đây cũng là những hiện tượng thường xảy ra trong giới tu Thiền lâu nay, mà những người đứng ra hướng dẫn học Thiền nào ai hay biết. Đó là một việc làm nguy hiểm, nó cũng giống như một bác sĩ khám bệnh cho thuốc vậy; nếu là bác sĩ nắm rõ được bệnh lý của từng con bệnh thì đều chắc chắn là lúc nào họ cũng bắt mạch và cho thuốc đúng căn bẹânh, và vì thế căn bệnh sẽ mau thoát khỏi, còn nếu không phải là bác sĩ mà khám bệnh kê toa cho thuốc thì điều gì sẽ xảy ra nếu không nói là chết người xảy ra, thì cũng làm cho con bệnh nặng thêm, vì chính họ không nắm rõ bệnh lý của mọi bẹânh nhân, thì làm sao họ có thể cho thuốc chữa lành cho bệnh nhân được. Cốt lõi của vấn đề ở đây là: Để được gọi là một Thiền sư, một Pháp sư thật sự, thì trước hết vị đó phải thông Phật lý, và phải có trình độ tu chứng, hay ít ra cũng có kinh nghiệm về pháp tu của mình, sau đó mới nói đến việc ra dạy người, hay hướng dẫn cho người khác. Cũng vậy nếu muốn được gọi là một Bác sĩ thì trước hết vị đó phải có bằng bác sĩ, và điều quan trọng là phải thông suốt y lý bẹânh án, và thông cả dược liẹâu đều trị, sau đó mới nói đến chuyện hành nghề bác sĩ, còn nếu không phải là bác sĩ mà đi chữa bệnh cho người thì chắc chắn người đó trước hết sẽø làm cho người ta chết, và sau đó chính mình phải ngồi tù. Điều quan trọng ở đây chính là việc: “Muốn cứu người chết đuối, thì trước hết ta phải biết bơi, biết lặn, và biết cách cứu người không biết bơi, sau đó mới nhảy xuống sông cứu người, còn nếu không biết mà nhảy xuống cứu người thì chính người cứu cũng chết luôn nói chi đến việc cứu người.” Cũng vậy, trong cách hướng dẫn người tu, trước hết chúng ta cũng phải thông đường đi nước bước của pháp môn mình hướng dẫn cho người, nghĩa là mình đã kinh qua rồi, đã thông suốt rồi, nếu không thì chính người hướng dẫn người cũng sẽ lạc vào chốn u u minh minh của đường ma lối quỷ mà thôi. Ở đây dứt khoát không có chuyện vừa tu vừa hướng dẫn người tu theo mình được. Vì sao? Vì trong lúc người hướng dẫn đang tu pháp đó mà cũng hướùng dẫn người khác cùng tu theo mình thì điều gì sẽ xảy ra, nếu người được hướng dẫn gặp những trở ngại, hay thấy những điều lạ lùng trong lúc tu, mà người hướng dẫn chưa từng thấy, chưa từng kinh qua, chưa từng bị trở ngại thì làm sao có thể có kinh nghiệm để trả lời và giải quyết những quyết nghi này cho đệ tử là lành hay là dữ? Là đúng đường hay sai đường? Đó một điều hệ trọng hàng đầu trong việc tu trì, thế mà chúng tôi thấy có người dám coi nhẹ vấn đề này, đứng ra vừa tu vừa hướng dẫn người khác tu theo phương pháp đang tu của mình, và cũng dám bạo phổi viết vào trong sách phụ lục phần ĐẾN NHÀ là: “Lúc trước tôi chỉ thấy ‘khởi niệm là hai, nếu bặt niệm thì tâm thanh tịnh tròn sáng.’ Và bây giờ tôi lại thấy ‘tâm cảnh không hai, nó không còn giới hạn nơi mình mà nó ở khắp mọi nơi.’ Tôi thấy như vậy nên cách tu cũng chuyển theo. (tr. 85) T.T.V.N.C.T.K.20)” Không hiểu như vậy họ cho rằng cái thấy nào là đúng và cái thấy nào là sai đây? Theo ở đây thì cho chúng ta thấy cái thấy trước là cái thấy sai trong hiện tại, và nó chính là cái thấy đúng của trước đây ? Vậy cái đúng trong hiện tại sẽ là cái thấy gì ở trong tương lai đây? Nếu trong tương lại có một cái thấy nữa? Vậy thì hướng dẫn người theo mình cho đến lúc nào có cái Thấy tánh như thật đây? Vì cái Thấy Tánh như thật là cái thấy tánh chỉ có một, không sai biệt, trong khi người hướng dẫn thì khi thấy như thế này, khi thấy như thế nọ, thì cái thấy này cũng chỉ là cái thấy của sai biệt, cái thấy của vọng mà thôi, cái thấy này nếu ai có học giáo lý thì cũng sẽ thấy như vậy thôi, vì đó là cái thấy của kiến giải, có phải là cái thấy của chứng ngộ đâu?! Vậy thì thử hỏi người hướng dẫn, dẫn người đi đâu vậy? Đi quanh quẩn trong đường ma lối quỷ sao!? Đây chính là hiện tượng đang phổ biến hiện nay của Phật giáo đã và đang xảy ra trong giới học Thiền, trong nước cũng như ngoài nước. Sở dĩ ở đây chúng tôi muốn nhấn mạnh đến vấn đề này, là vì hiện tại trong nước đã và đang có chiến dịch hủy báng chê bai Tịnh độ tông, Mật tông và kinh điển Đại thừa, mà những người ra làm việc này không ai xa lạ gì với chúng ta như trên chúng tôi đã đề cập đến, chỉ vì họ không phải là những Thiền sư, những Pháp sư thật sự như những yêu cầu ở trên, nên họ đã làm những việc làm thiếu hiểu biết, thiếu sáng suốt để dẫn đến có những chấp thủ cực đoan. Trước hết cứ cho mình là nhất, sau nữa là chỉ có pháp tu của mình là hơn hết còn những pháp tu khác là thua kém, hay không phải pháp tu của Phật. Về tất cả mọi phương pháp tu, thật ra không có phương pháp nào là nhất cho mọi căn cơ cả, mà phương pháp tu đó nhất đối với căn cơ đó, và ngược lại chúng sẽ là một nguy cơ nếu là không phải căn cơ đó. Sở dĩ chúng ta thường gặp trong các kinh điển, lúc độc tụng thường thấy đức Phật bảo kinh này là nhất, đọc kinh khác đức Phật cũng nói kinh đó nhất v.v... Như vậy đức Phật dạy có mâu thuẫn, ba phải hay không? Thật ra đâu có gì mâu thuẫn và ba phải đâu, tại vì chúng ta không hiểu được thâm ý của đức Phật dạy đó thôi. Vì mục đích đức Phật nói kinh này nhất, là nhất cho căn cơ này, nói kinh kia nhất, là nhất cho căn cơ kia, nói kinh nọ nhất, là nhất cho căn cơ nọ; chỉ vì chúng ta không hiểu được thâm ý của đức Phật cho nên mới chấp vào kinh đó, hay giáo pháp mà đức Phật nói nhất đó, và y cứ vào đó lấy làm phương pháp tu cho mình, rồi cho phương pháp tu của mình là hơn các phương pháp khác. Cũng vì sự hiểu biết hạn chế này cho nên phát sanh ra không biết bao nhiêu là mâu thuẫn giữa các tông phái với nhau, và cũng từ đó vấn đề cạnh tranh thu hút môn đồ từ đó cũng sinh ra. Tông này nói cách tu mình nhất, Tông kia bảo cách tu mình nhất, và ra sức bài xích những pháp tu không phải là pháp tu của mình, lẫn nhau. Họ tự vỗ ngực bảo pháp tu của mình mới đúng là pháp tu của Phật, vì pháp tu tọa Thiền của mình là pháp tu của chính đức Phật khi ngài còn tại thế tu, và nhờ nó mà thành Chánh giác, còn các pháp tu khác thì không phải, hay có phải đi chăng nữa thì cũng đi chậm, không thể giải thoát nhanh như họ được v.v.... và kêu gọi hành giả quay về với họ; trong khi họ không biết rằng việc làm của mình là sai lầm, không biết gì về vấn đề khế cơ khế lý đối với căn cơ hành giả, họ không hiểu việc người ta không đến với mình là vì căn cơ của họ không thích hợp với pháp tu của mình. Đó là những nguyên nhân gây ra sự xóa trộn xích mích chia rẽ trong phật giáo hiện nay. Tại sao họ lại có những việc làm như vậy? Vì như trên chúng tôi đã nói, họ không thông suốt Phật lý, không hiểu những thâm ý của Phật lý khi nói ra cái nhất, cùng tiến trình tu chứng của họ cũng không, cho nên đưa đến tình trạng thiếu nhận thức hiểu biết về Phật lý căn bản trong cái tổng thể của nó, mà chỉ biết nhận thức theo kiểu hiểu biết một chiều cho nên họ chỉ biết duy nhất có một con đường đưa đến giải thoát khổ đau là Thiền tông, ngoài ra không còn gì nữa. Cho nên khi người ta không tu theo mình lại đâm ra hủy báng nói xấu pháp môn của người ta, làm như vậy có xứng danh là một người tu Phật hay không? Đừng nói chi đây lại là một người tự nhận mình là một Thiền sư! Trong Thiền tông không bao giờ có những hạng người như vậy đâu, nếu có chăng nữa thì đó cũng chỉ là một cá nhân nào đó học hành không đến nơi đến chốn, tu tập chưa đến đâu, hay họ chỉ là người đội lớp Thầy tu, măïc chiếc áo, cạo trọc đầu làm tay sai cho các thế lực vô minh chống phá Phật giáo, nên mới có những hành động như vậy. Trong khi đó thì đức Phật đưa ra vô số con đường để hướng dẫn chúng sanh thoát khổ, tùy theo căn cơ duyên nghiệp của chúng sanh mà chữa trị căn cơ bệnh của họ, để rồi qui về một mối GIẢI THOÁT chúng bằng con đường Trung Đạo THIỀN ĐỊNH dành chung cho mọi căn cơ trước khi đạt NIẾT-BÀN. Thiền tông cũng chỉ là một trong những con đường, trong đó có cả Tịnh độ tông, Mật tông .v.v... Vậy Thiền định đâu phải chỉ dành riêng cho Thiền tông không đâu, mà bất cứ Tông nào cũng đều phải dùng pháp Thiền định để giải thoát khổ đau sanh tử nếu hành giả của Tông phái đó muốn giải thoát. Điều này chúng ta ai cũng thâáy rõ ràng và một cách cơ bản rằng GIỚI-ĐỊNH-TUỆ chúng nằm trong BA TẠNG GIÁO ĐIỂN, trong MƯỜI HAI BỘ KINH, bộ nào lại không có; và nó cũng ở rải rác trong các kinh nhỏ như giáo lý TỨ THÁNH ĐẾ phần Bát Thánh đạo có chánh Định; hay BA VÔ LẬU HỌC tức GIỚI-ĐỊNH-TUỆ, trong Ba mươi bảy phẩm trợ đạo; hay trong LỤC BA LA MẬT, THẬP BA LA MẬT có Thiền Định ba la mật v.v.... Nghĩa là Thiền Định dành cho từ căn cơ thấp nhất là con Người cho đến Trời, Thanh văn, Duyên giác, và cao nhất là Bồ Tát đều dùng Thiền Định trong pháp tu tập của mình, và tùy thuộc vào căn cơ của từng giới mà có gia giảm trong các pháp trợ đạo. Ở đây chỉ có sự sai biệt khác nhau trong phương pháp hướng dẫn thực hành chúng tùy thuộc các tông phái, và cũng tùy vào căn cơ của hành giả giữa các tông phái với nhau mà thôi, nhưng chỉ có Thiền Định thì giới nào cũng phải có hết. Vậy mà những người trong cái gọi là Thiền tông Việt nam vào cuối thế kỷ 20, không thấy chúng hay sao? Hay không học đến chúng­­, chỉ biết đến cái Thiền của Thiền tông mình không thôi, rồi đâm ra­ có thái độ trịch thượng của kẻ cả phê phán tông phái này, chê bai tông phái nọ. Trong khi ngay đến cái Thiền của Tông phái mình cũng không nắm vững cốt tủy của nó nữa, đem công án của các vị Thiền Tổ sư ra bàn luận mổ xẻ một cách sai lầm, bậy bạ như nhà học giả Lý Việt Dũng đã từng nêu ra hàng trăm điểm lỗi lầm, bậy bạ trong việc bàn luận, và dịch thuật về Công án Thiền Việt Nam và Trung hoa, Ông đãù dẫn chứng đối chiếu từ các kinh sách văn học Thiền giáo của Đại Tiểu thừa giáo và văn học Thiền tông một cách rõ ràng minh bạch đàng hoàng, trong quyển: “Lạm bàn một số điểm chưa đạt trong: 1- Tuệ trung Thượng sỹ ngữ lục giảng giải. 2- Phần đầu quyển ‘Thiền sư Việt Nam’ dẫn dịch từ ‘Thiền Uyển tập anh’. 3- Tham đồ hiển quyết và thi tụng các Thiền sư đời Lý giảng giải.” Qua quyển sách này, thật tình cả sự nghiệp dịch thuật và viết lách của H.T. bị sụp đổ hoàn toàn, và cho chúng ta thấy rõ cái kiến thức về Phật học nói chung và Thiền tông nói riêng của H.T. là không có. Như vậy mà hầu hết nhiều người vẫn còn bênh vực một cách cố chấp bảo rằng: “ Tuy kiến thức H.T. còn hạn hẹp như vậy, nhưng Ngài là người có tu có đức, không nên chỉ trích hay xúc phạm đến H.T.” Thật ra người ta bảo vậy mới nghe ra thấy có vẻ đúng, nhưng rõ ràng họ không biết thế nào là người có tu, người có đức cả. Vì theo họ trên lý thuyết có thể sai lầm, nhưng trên thực hành H.T. hằng ngày ngồi thiền, dạy người ngồi thiền, thì chính cái đó là cái tu, cái đức. Thật ra họ đâu có hiểu rằng trên cơ sở lý thuyết của phương pháp tu đã sai lầm, thì cái kết quả thực hành cách tu kia cũng sai lầm theo. Vậy thì cái đức có được từ đâu mà sanh ra đây?! Vì người có đức thực sự là người tu theo đúng pháp tu của Phật, thực hành đúng theo pháp Phật, thì cái đức mới sanh ra, còn ở đây thực hành pháp sai lầm mà bảo sanh ra đức, thì việc này làm sao có thể xảy ra. Ở đây chúng tôi chưa nói đến việc thất đức, vì họ dẫn chính mình, và người khác đi theo đường ma lối quỷ, thì đây chính là tạo tội chứ sao gọi là tạo đức được! Cho nên mọi người hãy cẩn thận đừng vì người ta nổi tiếng, vì nhiều người thiếu hiểu biết chạy theo mà mình cũng bắt chước chạy theo, làm thành một phong trào thời thượng mà thiếu cân nhắc, và tin một cách mù quán vào chúng, không những tự hại mình mà còn vô tình đồng loã với các thế lực vô minh, rốt cuộc ôm nhau mà vào địa ngục chứ không sai đâu. Như trên chúng tôi đã nói THIỀN ĐỊNH không phải chỉ có Thiền tông mới có thôi, mà chúng là pháp tu cần thiết của mọi tông Phái trong Phật giáo.
Như trên chúng tôi đã trình bày, con đường Trung đạo Thiền định, không phải chỉ dành riêng cho Thiền tông không đâu, mà chúng dành chung cho tất cả các tông phái Phật giáo trong đó có Tịnh độ tông, và Mật tông. Con đường Trung đạo Thiền Định này bên Thiền tông thì: “TÂM VẬT NHẤT NHƯ, NGOÀI TÂM KHÔNG KHÁC.” Bên Tịnh Độ tông thì: “NHẤT TÂM BẤT LOẠN.” Bên Mật tông thì: “ TAM MẬT TƯƠNG ƯNG.” Khi mà chủ thể và đối tượng, năng và sở, tâm và vật không còn ngăn cách sai biệt, chúng không phải là hai cũng không phải là khác nữa, thì con đường Trung đạo thiền Định hiển bày. Đây chính là con đường mà chư Phật quá khứ, chư Phật hiện tại, chư Phật vị lai đã đi, đang đi và sẽ đi. Do đó chúng ta những người con Phật, dù là Thiền tông hay Tịnh độ tông, hay Mật tông v.v... phải luôn luôn tâm niệm rằng: “Không có bất cứ một pháp tu nào là nhất hết, là tối thượïng thừa nhất hết, nó nhất khi pháp tu đó thích hợp với căn cơ của người đó; ngược lại nó sẽ không nhất và có thể làm trở ngại cho đường tu của người đó khi nó không hợp với căn cơ của họ, nếu họ không tự biết mà chỉ biết chạy theo người khác, hay chạy theo phong trào.” Vậy mỗi người trong chúng ta phải tự lựa chọn cho mình một pháp tu nào đó thích hợp với căn cơ của mình, trong vô lượng pháp môn tu do đức Thế tôn đã để lại. Và chúng ta cũng phải luôn cảnh giác đối những vị Thầy hay bất cứ một ai khi đến khuyên bảo chúng ta tu Phật mà luôn luôn khoe khoan pháp môn mình là nhất và ra sức chê bai hay chỉ trích pháp tu khác cũng của Phật, cho là sai đường, cho là không đúng, thì biết rằng họ đang làm việc của Ma, phải xem xét lại những lời nói của họ. Chúng ta nên biết rằng mỗi pháp tu như vậy, chúng chỉ là những pháp phương tiện, mà những phương tiện đó chúng ta cần phải vượt qua chúng, mới mong đạt được cứu cánh giải thoát được. Hơn nữa khi chúng ta đã lựa chọn pháp tu thích hợp với chúng ta rồi, thì việc kế tiếp là cần phải lựa chọn vị Thầy dẫn đường chĩ dạy cho chúng ta nữa, không phải bạ đâu chúng ta cũng nhận là Thầy, trong khi vị đó chưa rành về đường đi nước bước của mình. Chúng ta phải tìm ra những bậc minh sư có thực học, thực tu, thực kinh nghiệm, nếu không muốn nói là có thực chứng. Nếu không vậy thì cả hai phải ôm nhau mà vào địa ngục không thể nào tránh khỏi, vì chính họ không biết được đường đi của họ thì làm sao có thể hướng dẫn người khác đi mà không vào đường ma lối quỷ sao được! Đối với những bậc hướng dẫn mọi người, ngoài những việc cần và đủ để làm một người hướng dẫn người theo pháp môn tu của mình ra; chúng ta còn là những sứ giả của Như Lai, vì sứ mệnh truyền giáo của Ngài, chúng ta phải luôn luôn tôn trọng sự tự do lựa chọn pháp tu của mọi người, và luôn có tinh thần bình đẳng trong các pháp tu. Khi một người nào đó đến với pháp môn của mình, nếu qua tiếp xúc mà thấy căn cơ họ không hợp với pháp môn của mình thì mình có nhiệm vụ hướng dẫn chỉ bày giới thiệu cho họ đến nơi nào mà mình biết rằng họ hợp với pháp môn đó, hơn là chúng ta nhận người một cách bừa bãi rồi để xảy ra những tình trạng trở ngại trong bước tu của họ, hay im lặng trong khi họ đang cần tìm pháp môn thích hợp cho họ. Ngoài những điều trên ra trong Phật giáo vấn đề thực hành là vấn đề cốt lõi của tu, nếu hành giả không tu không thực hành, mà chỉ biết đến để học hỏi nghiên cứu không thôi thì, cũng giống như người biết nói rất giỏi về lý thuyết phương pháp nấu ăn, nhưng khi đói không tự theo phương pháp lý thuyết để nấu ăn, thì chắc chắn sẽ bị đói thôi, do đó khi mà chúng ta đã có phương pháp tu thích hợp với mình rồi thì điều trên hết là bắt đầu thực hành áp dụng chúng ngay vào trong cuộc sống, đó là yêu cầu quan trọng trong lúc thực hành.

Read More
Người đăng: Phổ Đồng on Thứ Hai, 12 tháng 1, 2009
0 nhận xét
categories: | | edit post

nhạc nền

Video - Phim

About Me

Ảnh của tôi
Từ vô thỉ ta luân hồi cát bụi, Vẫn miệt mài bám lấy cõi trần gian; Vẫn hít thở âm thầm yêu cuộc sống, Trần gian ơi nghe cát bụi mơ màn. Theo khát vọng ta trầm luân gót mỏi, Đếm đường dài vết cũ bụi chưa tan; Ngoảnh mặt lại khói sương mờ phong kín, Đường qua đi mất dấu tự phương ngàn. Ta dong ruỗi lạc loài theo nắng sớm, Cùng mưa chiều tan nát mộng dưới chân; Đất khẽ gọi con gió chiều đi vắng, Về tự tình đưa tiễn mộng nghìn năm. Nghe tan vỡ từ vô thường hoa nở, Nắng nghìn năm trưa buồn lạ trong hồn; Chiều ủ rũ qua nắng tàn trăng hiện, Từng giọt vàng rơi cõi đất mông lung. Vẫn hiện thực qua sắc màu biến đổi, Chuyện trăng tàn nhớ bóng ráng chiều phong; Tựa hơi thở buồn vui nào biết nổi, Cả một đời qua sinh diệt thời gian. Chợt một sớm rảnh rang nhìn đất thở, Đá cựa mình nghe dao động không gian; Như hoa đớm hạt nắng vàng ảo hóa, Giọt mong manh từng giọt đẹp vô ngần. Theo duyên hiện hóa thân vào vô tận, Duyên trùng trùng cho đến mãi vô chung.