Nhân đọc quyển nghệ thuật chơi đá của hai tác giả: Lý Lược Tam và Huỳnh Ngọc Trảng, chúng tôi xin tóm lược lại nội dung và hình thức của quyển sách này. Qua quyển sách dày bảy mươi hai trang do nhà xuất bản Mỹ Thuật ấn hành năm 1997 này, về hình thức rất trang nhã đẹp và, sách được chia ra làm hai phần chính: Phần thứ nhất, khảo luận về thú chơi đá, phần thứ hai là thạch ngoạn.
Phần đầu chia làm ba. Một, dẫn nhập. Hai, lý và sự thú chơi đá. Ba, sổ tay người chơi đá.
Phần thứ hai thạch ngoạn, với 43 bức tranh màu về đá đủ để nói lên tính đa dạng về những biểu trưng của nghệ thuật chơi đá (ngoạn thạch), mà qua đó chúng sẽ là những đối tượng thưởng ngoạn cho chúng ta.
Theo hai phần này, tuy hai tác giả đã nói “Thuật nhi bất tác” trong lời nói đầu, nhưng đây quả là một việc làm có tính cách tổng hợp có hệ thống, cho dù chỉ hạn hẹp trong vòng 72 trang; song chúng cũng nói lên được cái tính cách nghệ thuật phi nghệ thuật (The art of artlessness) của tư tưởng Đông Phương, nhất là nó mang đậm tính vượt thoát của tư tưởng Phật giáo Thiền tông trong nó.
I . Từ nghệ thuật ngoạn thạch đến phương pháp thưởng lãm phi nghệ thuật trong chúng có một khoảng cách khá rộng trên mặt luận lý hình thức, nhưng trên mặt bản thể chúng không có bất cứ một sự ngăn cáh nào giữa đá và người thưởng lãm:
“Chúng ta là người giám thưởng đá nếu không vì hình dáng và màu sắc của cục đá mà mê, cũng không vì nó là một cục đá trải đường mà khinh, thì chúng ta hãy trực tiếp khế nhập vào ‘bản thể sinh mạng’ của cục đá, tham nhiếp cái ‘bản lai diện mục’ của nó mà quay nhìn lại ‘bản lai diện mục’ của mỗi chúng ta. Đúng là cục đá này không có dáng vẻ, vô hình tướng, nhưng không chỗ nào không hình dáng; đúng là một cục đá này không ngôn ngữ nói năng, nhưng không chỗ nào là không ngữ ngôn. Nội hàm của nó phản phất như có cái dáng vẻ thuần túy-giản phác, hồn nhiên-tỉnh lược từ trong cái dáng vẻ phức tạp mà ra; hoặc từ cái tuyệt đối không hình dáng nhưng với một điểm ‘tình vị’ vô tướng nơi tâm chúng ta thêm vào một điểm thôi-một điểm mà ‘thêm hơn ắt quá nhiều, ít hơn ắt quá không’. Cái cảnh giới của cái ‘tình vị’ mà tâm chúng ta thêm vào với đá-cảnh giới người tìm đến với đá, và đá khế hội cùng người-cái cảnh giới đó khó nói nên lời được; hoặc nó phảng phất như một câu ‘thoại đầu’ mà chúng ta qui kết từ trong đống văn chương ngữ lục, hoặc từ trong cái vô ngôn tuyệt đối chúng ta ‘phương tiện’ tụng lên một câu Phật kệ: Để tự chúng ta-những ‘thức giả’ tự thức và ‘bất thức giả’ tự bất thức vậy.. Đó là bản lý để chúng ta biết tại sao nói cục đá này ‘vô hình nhi vô sở bất hình; vô ngôn nhi vô sở bất ngôn’, Chơi đá là một thú tiêu nhàn, một diệu dược và cũng có thể tạm gọi coi hư một phẩm trợ đạo thân dẫn chúng ta trở về với tánh bản nhiên của chúng ta.” (trang 8).
Ở đây hai tác giả đã mở ra cho chúng ta một phương pháp thể nhập trực tiếp vào với đá, không qua bất cứ phương pháp nào hết, ngoài tự thân mọi người và, tự tham thấu qua những biểu tượng, tượng trưng qua hình thể cục đá, để đạt được những cảm nhận trực giác nào đó đối với bản thân và đối tượng được thưởng lãm. Nhưng điều này khó có thể xảy ra cho những người thưởng lãm đá, khi mà giữa chủ thể và đối tượng không được đưa lên hàng bình đẳng ngang nhau thì, đó chính là lúc người và vật có sự ngăn cách nhau. Muốn đạt đến tình trạng “tâm vật nhất như” như của nhà Thiền thì chúng ta phải tham nhiếp trực tiếp vào “bản thể sinh mạng” của cục đá như quay nhìn lại cái “bản lai diện mục” chúng ta vậy. Đây chính là sự thâm nhập vào cái bản lai diện mục của mỗi chúng ta qua pháp phi nghệ thuật của Phật giáo Thiền tông, mà nghệ thuật thưởng lãm đá khó đạt đến.
Từ nghệ thuật đến phi nghệ thuật về mặt hình thức (chỉ cho sự) tuy thấy chúng có sự ngăn cách với bản thể (chỉ cho lý). Nhưng tựu trung sự ngăn cách đó là một sự cần thiết, để nhờ đó chúng ta mới có khả năng bước đến bước thứ hai (nếu không có bước thứ nhất thì chắc chắn sẽ không có bước thứ hai) để thể nhập vào bản thể của sự vật. Do sự cần thiết này, cho nên hình thức cục đá cũng dự phần quan trọng vào tính quyết định của việc thấu đạt bản thể sự vật; tuy chúng chỉ mang hình thức biểu tượng phương tiện, nhưng không thể không có hình thức hình dạng) để chúng ta thưởng lãm. Về hình dạng cục đá thì theo như sách, hai tác giả đã chỉ dẫn gồm có sáu dạng thức tổng quát sau đây:
- Cô thuận thạch: đá gầy guộc nhăn nheo.
- Viên hược thạch: đá tròn lẳn.
- Thấu lậu thạch: đá lồi lõm, có lỗ hang.
- Tượng hình thạch: đá tượng hình nhân vật hay đồ vật.
- Quái thạch: đá có hình dạng quái dị, cũng gồm có phần xấu xí.
- Thanh tú thạch: đá có vân sớ mạch lạc, nổi rõ; dáng vẻ đẹp, màu sắc nhu hòa. (trang 11).
Tuy có sáu dạng thức tổng quát, được mọi người chấp nhận; nhưng trên mặt sai biệt đặt trưng của từng loại đá, thì được phân ra làm nhiều loại khác nhau để phù hợp cho tính đa dạng của màu sắc. Nói chung là để phù hợp với cách chọn đá mà người ta phải dựa vào hình dạng, chất đá, màu sắc … theo những qui luật nhất định nào đó đã được chọn lựa và đặt tên cho chúng, để cho tên chúng được hợp thức hóa là “chính danh”. Tuy chúng ta đề cập đến rất nhiều phương pháp nghệ thuật (điều kiện cần và đủ) chơi đá trên mặt biểu tượng hình thức. Nhưng nguyên tắc cơ bản của thú chơi đá vẫn tôn trọng tuyệt đối “tính tự nhiên của đá” không cần bàn tay can thiệp của chúng ta vào hình dáng của chúng. Nếu như chơi đá mà không tuân thủ tính tự nhiên của chúng thì, chúng ta đi ngược lại nguyên lý tối hậu của kỳ thú này. Chơi đá từ nghệ thuật đến phi nghệ thuật là một phương thức tuy chúng có những chuẩn tắc, nhưng những chuẩn tắc này được xem như là cái thuật, cái phương tiện tạm thời để từ đó vượt qua khỏi chính nó, mà đạt đến mục đích “giản thạch bổ thần” tìm đến cái nhiên tính của trời đất, cùng hòa tâm mình vào với đá, mà vật thể này tự chúng nói lên được cái tính tự nhiên của chúng đó là:
“Một vật thể có từ khởi thỉ, đã từng trải qua mưa nắng, gió sương, đã ngâm mình dưới sông sâu, suối cạn và thời gian đã tạc lên đo những vết hằn hồng hoang, để lại vết tang thương dâu bể, và tạo nên hình tướng vô hình thề, không chủ ý, nhưng ở đó lai5co1 vẻ âm nhu tú lệ (thanh), vẻ cục mịch, vụng dại, thô xấu (sửu), vẻ cứng cỏi kiên liệt (ngoan), lại hồn phác đôn hậu (chuyết), lại hiển hiện vẻ độc đáo tyệt diệu của bàn tay tạo hóa (kỳ), lại biểu lộ sự mượt mà sáng loáng (tú), lại hiểm hóc kỳ khu (hiểm), và hàm chứa cái đẹp của hình dáng bất khuất, quanh co thông vào chỗ thâm sâu vắng lặng (u). Thanh, sửu, ngoan, chuyết, kỳ, tú, hiểm, u là những đặt phẩm cấu thành vẻ đẹp tổng thể của một tác phẩm nghệ thuật mà đá có thể có sở đắc.” (trang, 17-18).
Đó là sự (nghệ thuật) cần thiết để từ đá mà chúng ta đạt đến lý tính (phi nghệ thuật) của đá trong vấn đề ngoạn thạch. Ngoài nghệ thuật cần cho đá ra, ở đây chúng ta còn cần sự phối hợp hài hòa giữa đá và bối cảnh chung quanh (không gian) thì, nền, đài, bệ, giá, kệ …. tùy thuộc vào màu sắc, chất đá, hình dáng của khối đá mà chúng ta trình bày. Và do đó, nghệ thuật chơi đá trở nên phong phú và, đa dạng hơn trong cuộc sống của chúng ta.
II . Thạch ngoạn, một pháp phi nghệ thuật, vì phương pháp thưởng ngoạn đá không có bất cứ một phương pháp chuẩn mực nào để thể hiện cái nhìn đúng về sự vật cả. Vì chúng luôn luôn tùy thuộc vào kiến thức từng cá nhân của mọi người được thể hiện qua cái nhìn của họ về khối đá. Do đó, nói đến việc giám thưởng để được hoàn thiện về nó thì rất khó mà xác định:
“Sự hoàn thiện luôn luôn ở phía trước: Cục đá được nhặt về và giám thưởng cả đời cũng chưa ai dám nói là đã hie633u tường tận.” (trang 5).
Ở đây, chính vì sự không hoàn thiện của việc thưởng lãm đá đến nơi cùng tận của nó, cho nên sự giới hạn của chúng được đặt ra trên bình diện tương đối, cho một giới hạn nào đó trong quan niệm kiến thức về cách thưởng lãm theo nhãn quan của từng người. Do đó, chúng không có tiếng nói chung cuộc như Thiền tông khi vượt qua khỏi những tắc Công Án, hay những câu Thoại Đầu được đặt ra cho hành giả. Tuy nhiên, bốn mươi ba bức tranh đá này, nếu đem trình diện trước nhãn quan của các hành giả Thiền tông thì, chúng sẽ trở thành những tắc Công án. Nhờ vậy mà chúng luôn luôn ở trong dang tự tại, lúc nào cũng hấp dẫn mọi người. Vì chúng tự tại cho nên không ai có thể nắm bắt được chúng. Khi mà một vật không thể nắm bắt được thì càng không thể thủ đắc được thì, vật ấy càng hấp dẫn hơn. Nhưng chính nhờ sự không thủ đắc được này mà chúng lay động được tâm thức mọi người, để từ đó chúng trở thành cái bị vượt qua. Vì thế bốn mươi ba bức tranh đá màu này, trước hết chúng chỉ được coi như là những vật đã được thủ đắc trong cái diện tương đối qua những tên được đặt của chúng và, chúng luôn luôn tùy thuộc vào biểu cảm của những người thưởng lãm áp đặt lên chúng. Chúng ta cũng là những người thưởng lãm, chúng ta không cần phải độc những dòng chữ được ghi dưới mỗi bức tranh, mà chúng ta cũng có quyền nhìn chúng qua biểu cảm của chính riêng mình, chứ không nhất định là phải như thề này hay như thế kia theo cái nhìn của họ. Chính vì không có tiếng nói chung về mặt tương đối, cho nên từ đây chúng hình thành một cái nhìn khác về sự vật, với con mắt của nhà Thiền là “từ đâu đến và sẽ đi về đâu?” chúng sẽ biến thành khối nghi và, từ những khối nghi này, nếu biết cách đẩy chúng đến chỗ tận cùng thì, ngay tức khắc dưới chân những khối đá này sẽ vỡ tung, biến thành hư không trong cái nhìn thực hữu.
Chuyện chơi đá (ngoạn thạch) nói chung và, thưởng lãm đá (thạch ngoạn) nói riêng còn rất dài, xin mọi người tìm đọc kỹ hơn quyển sách nói trên (Nghệ thuật chơi đá ngoạn thạch của đồng tác giả: Lý Lược Tam, Huỳnh Ngọc Trảng, xuất bản Mỹ thuật 1997.) Ở đây chúng tôi xin tạm kết bài viết này với bốn câu thơ “Đề Khoản” trên bức vẽ trong sách “Tắc thiên thạch phổ” mà hai tác giả đã việt dịch ra nơi trang 7.
“Đá tựa bồ đoàn trải vạn niên
tới nay chán kẻ đến tham thiền
Mười năm nếu được tâm như đá
ngồi rách bồ đoàn ngộ đại thiên …”
Già Lam, đầu xuân mậu dần, 1998.
Đại Lãn
0 nhận xét