Theo lịch sử đức Đạo sư để lại qua ba tạng Kinh Luật và Luận của hai hệ Nam truyền và Bắc truyền thì, những nguyên nhân đưa đến việc Thái Tử Siddhātha Gotama đi xuất gia tầm đạo có rất nhiều; nhưng chúng được bao gồm trong hai nguyên nhân chính: đó là nguyên nhân xa và nguyên nhân gần.

a . Những nguyên nhân xa (gián tiếp):

Phát xuất từ nguyện lực từ bi độ sanh của Bồ-tát hạnh mà Bồ-tát đã cưu mang từ trong vô lượng kiếp trong quá khứ cho đến hiện tại: “Vì một đại sự nhân duyên xuất hiện trên đời này là, muốn cho chúng sanh ngộ - nhập vào tri kiến Phật” như trong kinh Pháp Hoa và các kinh điển khác đức Đạo sư đã dạy về nguyên nhân đản sinh của Ngài như thế nào thì, ở đây chính nó cũng là những nguyên nhân liên tục tiếp nối thúc đẩy sâu xa của chánh báo đưa đến và, cộng với những nguyên nhân do y báo hình thành của xã hội vào lúc bấy giờ thúc đẩy Thái Tử Siddhārtha Gotama hoàn thành việc xuất gia tầm đạo giải thoát cho chính mình cùng nhân sinh, ngoài nguyện lực trên ra thì những phong trào tìm giải thoát trong đạo giáo vào lúc bấy giờ của xã hội Ấn Độ vào đầu thế kỷ thứ bảy trước Công nguyên và mãi cho đến thế kỷ thứ sáu cũng là những nguyên nhân gián tiếp đưa đến sự xuất gia gián tiếo của Ngài. Các phong trào này phát triển mạnh mẽ hơn, trong việc chống đối lại các đạo giáo mang đầy những hình thức tế lễ mà không mang lại những lợi ích tối thiểu nào, qua những cuộc tranh luận công khai; đó là phong trào tư tưởng xét lai không có tổ chức; tự họ rời bỏ tôn giáo truyền thống để đi tìm những cứu cánh tâm linh mới. Đai diện cho các phong trào này, chúng ta có thể chia thành bốn khuynh hướng muốn tìm cầu cứu thoát ra khỏi các thế lực vô minh nghiệp khổ cùng những nô lệ giáo điều tôn giáo; chỉ biết lấy việc tế lễ làm kế sống tâm linh, mà đánh mất đi cái tự chủ nhân bản của con người. Phải nói rằng đây cũng có thể là một phong trào cách mệnh tâm linh bất bạo động chống lại truyền thống tế tự tha hóa của các thánh kinh Vệ-đà (veda) và, mở ra một chân trời mới đạt đến điểm đỉnh cao triết lý cùng đạo giáo con người. Thái Tử Gotama sinh ra và lớn lên may mắn gặp vào thời kỳ các phong trào này đã và đang lớn mạnh. Ngài đã tiếp xúc qua tất cả những nhóm này và, mỗi nhóm này không nhiều thì ít cũng tác dụng và ảnh hưởng đối với bước ra đi của Ngài sau đó.

Theo chủ trương của khuynh hướng thứ nhất phát xuất từ Upaṇisad (Aupanisadas: Áo nghĩa thư) cho rằng, mặc dù các nhà Áo nghĩa thư đã cố gắng trình bày một Brahman từ nghĩa Thần chú tế tự của Rg Veda đến Upanisad mở rộng ra một Brahman ý nghĩa hoàn toàn đồng nghĩa với chân lý và trở thành cái tuyệt đối bao hàm cái tổng thể và tự tại trong vạn vật. Ở đây Brahman là nguyên nhân của vạn vật như trong Brhadāranyaka upaniṣad (3.8.8.): “Giống như mọi vật trong thế giới, được bao bọc trong không gian, không gian lại được ở trong cái bất diệt là Brahman” Vì Brahman (chỉ cho đại ngã của vũ trụ) thẩm thấu vào trong mọi vật, nó là tinh thần của mọi vật, nên thân xác con người là tòa nhà của Brahman. Do đó sự liên hệ giữa Brahman và Atman (chỉ cho tiểu ngã cá nhân mọi chúng sanh) trong quan hệ chủ thể và đối tượng người và vật, của người biết và cái được biết, của người thấy và cái được thấy, của người tư duy và cái được tư duy, như trong toàn bộ Upaniṣad được đúc kết tổng hợp lại từ Brhadāranyaka, Chāndogya, Taittirīya, Aitareya và Kausītaki qua Vedānta (Viên thành Vệ-đà) là đỉnh cao của tư tưởng Ấn Độ giáo. Ở đây Brahman va Ātman luôn luôn song hành với nhau một cách hiển nhiên trong việc thể hiện, cho chúng ta thấy Brahman thể hiện cái tuyệt đối, là linh hồn của thế giới còn Ātman là linh hồn của mỗi cá nhân được quan niệm là đồng nhất. Dù cả hai thể hiện theo từng thuộc tính của chúng, nhưng mặc khác chúng cũng đồng nhất giữa Brahman và Ātman như trong các bộ Upaniṣad đã nói, theo Brhadāranyaka Upaniṣad (4.4.7) thì: “ Ātman là vĩ đại, bất sinh, bất lão, bất tử, bất hoại, bất diệt chính là Brahman.” Sự đồng nhất của chúng được thể hiện ra trong lúc ngủ say không mộng mị; đó chính là cái bất tử bất hoại của Àtman, đó là Brahman. Từ tư tưởng này các nhà Upaniṣad khám phá ra sự luân hồi có được của Àtman sau khi chết và, nó vẫn tồn tại dưới hình thức này hay hình thức khác và, cũng từ đây họ khám phá ra hành nghiệp của mỗi cá nhân trong việc tạo thành kết quả. Một người chưa được giải thoát phải đi quanh quẩn trong vòng sinh tử luân hồi, do động lực của lòng tham duc (Kāmayamana) và vô minh (avidyā) thúc đẩy và, nó tùy thuộc vào các hành nghiệp thiện hay ác mà có khổ hay vui. Theo các nhà Upaniṣad thì con người muốn giải thoát vòng luân hồi sanh tử thì phải tận diệt được tham dục (kāma) cùng vô minh. Và như vậy theo họ thì một người muốn được thể nhập vào Brahman và, Ātman người ấy hòa lẫn vào Brahman thì phải đoạn tận chúng (tham dục, vô minh) mới có thể thể nhập vào Brahman và giải thoát được. Qua hai quan niệm về tính nhất thể của vạn vật cùng quan niệm tái sinh do hành nghiệp tạo ra, đó là những khám uyên thâm sâu xa nhất của nhân loại, nhưng có những phân chia mâu thuẫn mà họ không thể nhận ra được đó chính là giữa thế giới trường cữu, tự tại, Bất sinh, bất diệt, bất hoại của Brahman cùng với thế giới thực tại (prakrti) của Ātman cũng bất sinh bất diệt, bất hoại và trường cữu đầy đủ tự do nội tại của chính nó thì việc gì phải thể nhập vào Brahman làm chi? Và như vậy giữa Brahm và Àtman hiện tại trở thành đối lập nhau. Cái gì khiến Brahman tự tại trở thành hiện thực, nhập thể vào trong thế giới luân hồi sinh tử này? Và làm thế nào các hành nghiệp của một con người có thể trói buộc linh hồn hay bản ngã (Àtman) được? vào một thân xác, trong khi Àtman có đầy đủ tự do nội tại của nó? Đó là những điều mà các nhà Upaniad vào lúc bấy giờ không giải thích được, đây chính là một trong những nguyên nhân đưa Thái tử đi xuất gia tầm đạo sau này.

Theo quan niệm của các nhà Duy vật luận vào lúc bấy giờ, họ bác bỏ tất cả mọi quan điểm có được về vấn đề giải thoát của các nhà Upaniad và họ chủ trương mọi vật ở bên ngoài thế giới hữu hình này có được đều do trí tưởng tượng của con người dựng lên, chỉ chấp nhận có thế giới vật chất hữu hình này là có thật, đó là nhóm Thuận thế luận (Lokāyata) và, Cārvaka. Họ chủ trương rằng mọi nhận thức của chúng ta trực tiếp qua giác quan là nguồn kiến thức có được duy nhất của chúng ta, ngoài ra không có bất cứ kiến thức nào là thật qua suy luận, trực giác, kinh nghiệm, giáo dục hay thần linh mặc khải và, do vậy các nhà Lokāyata phủ nhận tất cả mọi sự hiện hữu của linh hồn. Bất cứ vật gì không do giác quan nhận thức thì sẽ không hiện hữu, không có Thượng đế, không có cứu độ, không có linh hồn (ātman), pháp và phi pháp đều không hiện hữu cùng, thiện nghiệp, ác nghiệp không đưa đến quả báo trong tương lai hay đời sau. Và vì vậy họ chủ trương trong hiện tại hãy sống cho hợp lý: Hãy hưởng thụ hết hạnh phúc khi chúng ta còn sống và, cứ ăn sữa lạc cho thõa thích, cho dù chúng ta có vỡ nợ đi chăng nữa! Điều có giá trị duy nhất trên đời này là chúng ta làm bất cứ điều gì đem lại hạnh phúc càng nhiều càng tốṭ. Ảnh hưởng của nhóm này vào lúc bấy giờ cũng rất đáng kể đối với quần chúng. Họ sử dụng lối phê phán sắc bén với thái độ hoài nghi tất cả những lý tưởng có được từ mọi sự tưởng tượng và suy diễn thiếu tính hiện thực, họ đều không chấp nhận và nhạo báng, họ phản đối mọi sự tìm kiếm triết lý xa vời thiếu thực tế trong khi mọi người bỏ thế giới hiện thực không màn để ý đến nó, mà chỉ biết:



“Hướng vế điều vô hình

Bỏ rơi cái hữu hình

Phái Cārvaka biết

chuyện điên đảo chúng sanh!”

(Saddarsanasamuccaya 9.6).



Thật ra, đây cũng chỉ là một quan điểm thiên kiến méo mó, nếu sống mà chỉ biết có dục lạc hiện thực mà không biết được những khổ đau đi theo sau những dục lạc đó thì đó cũng chỉ là những phê phán nửa vờï bỡi vì chính những đau khổ đi theo sau những khoái lạc cũng là một hiện thực, nhưng tại sao phái này lại chối bỏ hiện thực này? Đây cũng là một trong những nguyên nhân đưa Thái tử đi xuất gia tầm đạo sau này.

Theo quan niệm của các nhà trong phái khổ hạnh (tapasvin) thì, khổ hạnh là một hình thức để tạo ra năng lực và, từ năng lực này được huân tập nhiều chừng nào trong tiết dục thì việc hoàn thành giải thoát sẽ ở gần trong tầm tay chúng ta chừng ấy, chứ không phải Khổ hạnh có nghĩa là ăn năng hối cải những sai lầm chúng ta đã tạo ra như một số người đã hiểu một cách sai lầm qua định nghĩa chữ Phạn tapasvin (khổ hạnh) có nghĩa là “Ăn năng hối cải”. Khổ hạnh ở đây có nghĩa là cố gắng tạo dựng tương lai. Nó căn cứ vào niềm tin về sự hành xác để tạo ra nhiệt lượng tâm linḥ Nếu một người theo khổ hạnh mà bị nhục dục lôi cuốn thì thần lực tích trữ kia sẽ lập tức biến mấṭ. Theo các nhà tu khổ hạnh thì hành giả chứng đắc được thần thông là nhờ người đó đã tích lũy được nhiều thần lực tapas và, chính trong kinh Rg Veda cho rằng thần Indra, Thiên chủ đạt được ngôi vị tối cao ở trên thiên đình là nhờ có tapas. Phong trào khổ hạnh này cũng đóng một vai trò quan trọng vào lúc bấy giờ, các nhà tu khổ hạnh đã trở thành những địch thủ ngay cả đối với các thần linh vì nhờ có năng lực tapas được huân tập tích trử của họ mà các Thiên thần phải tìm cách phá hoại qua việc phái những tiên nữ diễm lệ xuống trần quyến rũ những vị tu khổ hạnh khiến cho họ mất thần túc thông, huống chi là các vị tế sư Bà-la-môn không phản đối phong trào này sao được? Trong thực tế họ mất đi những vị khách cúng tế và, những gì phong trào khổ hạnh làm đều đi ngược lại truyền thống cúng tế cổ truyền của họ, vì tự thân của khổ hạnh là hy sinh đi những lạc thú cá nhân ở thế gian, để tìm kiếm một con đường giải thoát cho chính cá nhân mình. Theo quan điểm các Bà-la-môn việc chấp nhận đời sống khổ hạnh chỉ hợp lý đối với tuôi già, khi họ đã hoàn thành việc chăm sóc gia đình, thực hiện các phận sự mà giai cấp của họ phải làm và, đã có con trai thay thế họ trong gia đình và ngoài xã hôi. Tu khổ hạnh thì có vô số phương pháp luyện thân xác qua thực hành ly dục mục đích là làm cho thân thể không còn những đòi hỏi vật chất làm trở ngại tinhtha62n khi huân tâp tapas tinh thần, nhưng trong những phương pháp được gọi là tối ưu và đưa đến giải thoát đó chính là phương pháp tu tập tinh thần tự chủ qua việc luyện hơi thở ra vào điều hòa, từ đó tâm hành giả trở nên an lạc nhất thời trong lúc tu tập. Phương pháp tu khổ hạnh này tuy chúng có thể đưa hành giả đến chỗ giải thoát, nhưng vẫn không rốt ráo trong việc giải thoát trọn vẹn. Tuy vậy, nhưng nó rất ảnh hưởng đến việc việc Thái tử xuất gia tầm đạo sau này.

Theo quan điểm các nhà Du tăng khất thực, cho rằng gia đình, vợ con, xã hội, công việc là những thứ ràng buộc khó đưa họ đến giải thoát. Họ muốn đi tìm tự do và kiến thức mới, nhu cầu hướng đến việc mở mang tâm trí đã lôi cuốn mọi người, thúc giục hàng nghìn người thuộc mọi tầng lớp kể cả giai cấp bỏ hết công việc, giao phó vợ con cho đại gia đình, từ bỏ mái nhà, làng xóm, thành thị mà chấp nhận đời sống độc cư, du hành đây đó với ước mong tìm kiếm được trí tuệ giải thoát. Sự phá vỡ truyền thống của đời sống du hành khất thực chúng tương đồng với các nhà khổ hạnh đó là mặt hình thức còn tinh thần thì mỗi trường phái có mỗi quan điểm khác nhau: Một số theo thuyết ngụy biện, một số theo thuyết định mệnh ngay đến giải thoát cũng do tiền định không thể biến cải được. Nhưng phần đông họ là những nhà thí nghiệm đạo lý, lúc thì thực hành giáo phái này, khi thì gia nhập giáo phái nọ. Họ cũng có thể gia nhập vào trong truyền thống Upanisad để tìm hiểu đạo trong một thời gian, hay hành trì khổ hạnh, hoặc thí nghiệm một phương pháp riêng nào đó của họ mong đạt được trí tuệ giải thoát. Vì việc du hành khất thực của họ là để tìm hiểu và thực hành những phương pháp nào có thể đưa đến trí tuệ giải thoát thì họ tìm đến học hỏi tranh luận. Những cuộc tranh luận giữa họ và những người khac quan điểm thường xảy ra tại các lâm viên, hoặc ven các làng xã, chúng thu hút rất nhiều người, trong đó có cả Thái tử Gotama.

Qua những phong trào này Thái tử Siddhartha Goptama đã từng tìm hiểu và, cũng nhờ những phong trào này âm ỉ ảnh hưởng thôi thúc một cách âm thầm cho những quyết đinh dứt khoát sau này của Thái tử, nó cũng là những nhân tố gián tiếp tác đông lên tâm thức của Ngài trong việc hoàn thành chí nguyện xuất gia của mình sau này.

b . Những nguyên nhân gần (trực tiếp):

Ngoài những nguyên nhân như trong Vedānta và những phong trào phản đối nghi thức tôn giáo quá rờm rà nhiêu khê về mặt hình thức luôn trói buộc, nhưng trong nội dung thì không mang đến một đạo lý giải thoát nào về mặt phát triển trí tuệ cả, đó là một hậu quả tất yếu cùa dòng biến thiên lịch sử phải có vào lúc bấy giờ. Ở đây Thái tử Siddhartha Gotama một phần nào, không ít thì nhiều cũng chịu một sự ảnh hưởng gián tiếp qua những kiền thức mà Thái Tử đã học hỏi được từ những bậc thầy nổi danh vào lúc bấy giờ, về truyền thống đạo học tâm linh qua bốn bộ Veda cũng như các bộ Upaniṣad và những thực tế qua cuộc sống, được Ngài kết hợp một cách hài hòa và nhạy bén trong từng nhận thức rẳng cuộc đời không phải lúc nào cũng mang đến cho chúng ta những lạc thú, mà đằng sau những hạnh phúc (sukkha) của các lạc thú đó ẩn núp những vô thường khổ đau (dukkha) rình rập như trong Kinh Tăng Chi bộ (Anguttara Nikāya) (AN. 3.38) đức Đạo sư đã dạy lại các đệ tử của mình: “Này các Tỳ-kheo, ta đã sống cuộc đời rất được nuông chiều trong vương cung. Các Tỳ-kheo, trong cuộc đời đầy hạnh phúc đó, xuất hiện trong ta tư tưởng này: ‘Quả thật một người chỉ biết sống đời sống thế gian hoàn toàn thì, chính người ấy sẽ bị chi phối bỡi tuổi già, lại rất ghét khi thấy người già nua. Nhưng ta cũng không thoát khỏi tuổi già và bị nó chi phối. Vì nghĩ như vậy nên này các Tỳ-kheo, mọi lạc thú lìa xa ta.’

“Quả thật một người chỉ biết đời sống thế gian hoàn toàn thì, chính người ấy bị chi phối bỡi bệnh tật, lại rất ghét khi thấy người bệnh tât. Nhưng ta cũng không thoát khỏi bệnh tật và bị nó chi phối. Vì nghĩ như vậy nên này các Tỳ-kheo, mọi lạc thú lìa xa ta.

“Quả thật một người chỉ biết đời sống thế gian hoàn toàn thì, chính người ấy bị chi phối bỡi cái chết, lại rất ghét khi thấy người chết. Nhưng ta cũng không thoát khỏi cái chết và bị nó chi phối. Vì nghĩ như vậy nên này các Tỳ-kheo, mọi lạc thú lìa xa ta.”

Đã là những tư duy được Ngài rút ra từ những kiến thức học hỏi cùng những thực tế cuộc sống và trong Trung Bộ Kinh (Majjhima Nikāya) 26. Kinh Thánh Cầu (MṆ 26.16) đức Đạo sư cũng dạy:

“Khi ta còn là Bồ-tát, ý tưởng này đã khởi lên trong tâm ta: ‘Đời sống tại giạ đầy bất tịnh, thật là chật hẹp. Đời sống của Sa-môn thì tự do như bầu trời khoáng đãng.…” Và từ những tư duy kinh nghiệm sống này, cộng với những thực tế nhất là qua bốn lần du hành qua bốn cử thành, những thực tế về lão bệnh tử cùng vị sa môn, là những nguyên nhân đã tác động mạnh trực tiếp vào tâm trí Thái Tử như trong kinh 1 Đại Bản Trường A-hàm (Đ. 1, tr. 0006a – 0007a) bên Hán tạng, tương đương với Kinh Trường Bộ (Dīgha Nikāya) Kinh 14 Đại Bổn Pāli , đức Đạo sư đã thuật lại về những nguyên nhân trực tiếp đưa đến việc xuất gia tầm đạo của bảy vị Phật trong thời quá khứ và, cũng là của cá nhân Ngài:

- Lần du hành thứ nhất:

“Một hôm, Bồ-tát muốn ra khỏi thành để dạo chơi và quan sát, bèn ra lịnh người đánh xe sửa soạn xe báu để Ngài đi đến công viên tuần hành và du ngoạn. Người đánh xe sau khi sửa soạn xa giá xong, tâu Thái tử: ‘Giờ đã thích hợp.’ Thái tử cỡi xe báu đi đến khu vườn công cộng kia. Giữa đường, Ngài gặp một người già, đầu bạc, răng rụng, lưng còm, mặt nhăn, rung rinh trên chiếc gậy, thở khò khè theo nhịp bước khó khăn. Thái tử liền xoay hỏi quân hầu: ‘Đó là người gì?’ Đáp rằng: ‘Đó là người già.’ Lại hỏi: ‘Già là thế nào?’ Đáp: ‘Già là người mà tuổi thọ sắp hết, không còn sống bao lăm nữa.’ Thái tử lại hỏi: ‘Ta đây cũng sẽ như thế, không tránh khỏi tai họa này chăng?’ Đáp: ‘Phàm đã có sinh tất có già, đâu kể gì sang hèn.’ Nghe vậy Thái tử buồn bã không vui, liền bảo quân hầu đánh xe về. Ngài lặng lẽ suy niệm: ‘Ta cũng sẽ như vậy, chịu nỗi khổ vì bệnh này.’”

- Lần du hành thứ hai:

“Một thời gian sau, Thái tử bảo quân hầu đánh xe đi dạo. Giữa đường, Ngài gặp một người bệnh, thân gầy, bụng lớn, mày mặt sạm đen, nằm một mình trên phân dơ, không ai chăm sóc. Bệnh rất khổ, miệng cứng không nói được. Thái tử xoay lại hỏi quân hầu: ‘Đó là người gì?’ Đáp: ‘Đó là người bệnh.’ Hỏi: ‘Bệnh là thế nào?’Đáp: ‘Bệnh là là bị các thứ đau nhức hành hạ, chết sống không biết lúc nào.’ Hỏi: ‘Ta cũng sẽ như thế, không tránh khỏi tai họa này sao?’ Đáp: ‘Phải. Phàm có sanh thì có bệnh, không kể gì sang hèn.’ Nghe vậy, Thái tử trở nên buồn bã không vui, liền bảo quân hầu đánh xe trở về. Ngài lặng lẽ suy nghĩ: ‘Ta cũng sẽ như vậy, chịu nỗi khổ vì bệnh này.’”

- Lần du hành thứ ba:

“Lại một lúc khác, Thái tử bảo quân hầu đánh xe đi dạo. Giữa đường, Ngài gặp một người chết; phan lụa nhiều màu dẫn đường trước sau; dòng họ, thân quyến, tiếc thương than khóc, đưa ra khỏi thành. Thái tử lại hỏi: ‘Đó là người gì?’ ‘Đó là người chết.’, quân hầu đáp. Hỏi: ‘Chết là thế nào?’ Đáp: ‘Chết tức là hết. Hết gió đến hết lửa, các căn bại hoại. Kẻ còn kẻ mất đôi đường, gia đình ly biệt. Đó gọi là chết’ Thái tử lại hỏi người đánh xe: ‘Ta đây cũng sẽ như thế, chưa khỏi tai hoạn này chăng?’ Đáp: ‘Phải. Phàm đã có sanh tất có chết, chẳng kể sang hèn.’ Nghe vậy, Thái tử lại càng buồn bã không vui, bảo đánh xe về. Ngài trầm ngâm suy nghĩ: ‘Ta cũng sẽ như vậy, chịu nỗi khổ vì bệnh này.’”

Lần du hành thứ tư:

“Lại một lúc khác, Thái tử bảo quân hầu đánh xe đi dạo. Giữa đường, Ngài gặp một vị Sa-môn, bận pháp phục, tay cầm bát, mắt nhìn xuống đất mà bước đi. Thái tử liền hỏi quân hầu: ‘Đó là người gì?’ ‘Đó là vị Sa-môn’, quân hầu đáp. - ‘Sao gọi là Sa-môn?’-‘Sa-môn là người xa lìa ân ái, xuất gia tu đạo, chế ngự các căn, không nhiễm ngoại dục, có tâm từ đối với hết thảy, không làm tổn hại vật gì; gặp khổ cũng không buồn, gặp vui cũng không mừng, hay nhẫn như đất. Đó gọi là Sa-môn.’ Thái tử bèn nói: ‘Lành thay! Đó là đạo chân chính, tuyệt hẳn mọi trần lụy, chỉ vui thú với cái vi diệu thanh hư.’ Thái tử liền bảo quân hầu đưa xe đến gần, và hỏi Sa-môn rằng: ‘Ông cạo bỏ râu toc, bận pháp phục, cầm bát như vậy, chí ông muốn cầu chuyện gì?’ Sa-môn đáp: ‘Phàm người xuất gia là cốt điều phục tâm ý, xa lìa trần cấu, thương xót cứu giúp quần sanh, không làm điều gì xâm hại, trong lòng rỗng rang tịch mịch, chỉ có bề giữ đạo mà thôi.’ Thái tử khen: ‘Hay lắm! Đạo này rất chân chính.’ “

Qua bốn lần du hành, những điều thấy, nghe qua thực tế đã tác động mạnh lên tâm thức Thái tử Siddhārtha Gotama. Từ những thấy nghe đưa đến những suy nghĩ làm buồn lòng Ngài không ít, vì bản thân của Ngài cũng sẽ không vượt qua khỏi những nỗi thống khổ của già - bệnh - chết này, đó là những tác động trực tiếp đối với Thái tử và cũng từ những tác động trực tiếp này đã đưa Ngài đến con đường xuất gia tầm đạo mong cầu giải thoát khỏi chúng. Theo như lịch sử thì sau khi Ngài gặp vị Sa-môn rồi trở về lại hoàng thành để gặp lại vợ con lần cuối rồi Ngài mới tìm đường xuất gia ngay trong giữa khuya đêm hôm đó nhằm ngày mồng 8 tháng 2 Âm lịch theo lịch Trung Hoa (theo lịch sử của đức Phật lịch sử) năm Ngài 29 tuổi tức năm 534 trước Công nguyên; nhưng theo trong kinh thì ngay trong cuộc du hành thứ tư sau khi gặp vị Sa-môn kết thúc thì, Ngài liền bảo quân hầu: “Mang áo trân bảo của Ta và xa giá về, tâu lại Phụ vương biết rằng ngay tại đây, Ta sẽ cắt bỏ râu tóc, mặc ba pháp y, xuất gia tu đạo. Vì Ta muốn điều phục tâm ý, xa lìa trần cấu, giữ mình thanh tịnh để cầu chánh đạo.’ Quân hầu liền đem xa giá và y phục của Thái tử về tâu lại phụ vương, còn Thái tử thì cắt bỏ râu tóc, mặc ba pháp y, xuất gia tu đạo.” (Đ. 1, tr. 0007a). Sự kiện thời điểm ra đi xuất gia tầm đạo của Ngài tuy có sự sai khác nhau một chút trong thời gian; nhưng chúng vẫn nói lên được tính dứt khoát trong việc tìm đường thoát khổ cho chính mình và cho mọi người dù thời gian có được chuẩn bị hay chưa? Nhưng ở đây theo lịch sử mang tính truyền thuyết thần kỳ, nên sự kiện này như là một dữ liệu để chúng ta đối chiếu và xử lý cho hợp lý hơn sau này.

Đại Lãn

Người đăng: Phổ Đồng on Thứ Bảy, 24 tháng 4, 2010
categories: | edit post

0 nhận xét

nhạc nền

Video - Phim

About Me

Ảnh của tôi
Từ vô thỉ ta luân hồi cát bụi, Vẫn miệt mài bám lấy cõi trần gian; Vẫn hít thở âm thầm yêu cuộc sống, Trần gian ơi nghe cát bụi mơ màn. Theo khát vọng ta trầm luân gót mỏi, Đếm đường dài vết cũ bụi chưa tan; Ngoảnh mặt lại khói sương mờ phong kín, Đường qua đi mất dấu tự phương ngàn. Ta dong ruỗi lạc loài theo nắng sớm, Cùng mưa chiều tan nát mộng dưới chân; Đất khẽ gọi con gió chiều đi vắng, Về tự tình đưa tiễn mộng nghìn năm. Nghe tan vỡ từ vô thường hoa nở, Nắng nghìn năm trưa buồn lạ trong hồn; Chiều ủ rũ qua nắng tàn trăng hiện, Từng giọt vàng rơi cõi đất mông lung. Vẫn hiện thực qua sắc màu biến đổi, Chuyện trăng tàn nhớ bóng ráng chiều phong; Tựa hơi thở buồn vui nào biết nổi, Cả một đời qua sinh diệt thời gian. Chợt một sớm rảnh rang nhìn đất thở, Đá cựa mình nghe dao động không gian; Như hoa đớm hạt nắng vàng ảo hóa, Giọt mong manh từng giọt đẹp vô ngần. Theo duyên hiện hóa thân vào vô tận, Duyên trùng trùng cho đến mãi vô chung.