CÔNG ÁN:

Pháp Nhãn dùng tay chỉ bức rèm, thời có hai vị tăng cùng đi cuốn rèm.
Nhãn bảo:
- Một được một mất.

LỜI BÀN:

Cùng hai người cuốn rèm, tại sao lại một được một mất? Ý là ở chổ đó. Tuy nhiên, nếu bảo cả hai được hết thì cũng không được, mà bảo cả hai mất hết cũng không được. Đó chính là chỗ ngoắt ngoéo của câu đáp. Ai hiểu được thì cùng chung với Pháp Nhãn một mắt, còn không thì chịu mù suốt đời.

LỜI TỤNG:

Tâm có Phật liền có
Tâm không Phật liền không
Giết một để một mất
Tha một để một còn.

Read More
Người đăng: Phổ Đồng on Thứ Sáu, 17 tháng 12, 2010
0 nhận xét
categories: | | edit post



CÔNG ÁN:

Tăng hỏi Tư Phước:

- Cổ nhân giơ chùy, dựng phất tử có ý chỉ gì?

Tư Phước ậm ự không thành tiếng.

Vân Môn bảo:

- Trên tuyết thêm sương.

LỜI BÀN:

Cái lão Vân Môn này, hễ mở miệng ra là phơi bày ráo trọi cả tim gan phèo phổi của mình; chẳng thà ậm ự như Tư Phước, thì đỡ khổ cho các sở trường của các vị lão già tiên bối biết mấy. Tuy nhiên, trên tuyết thêm sương có ý nghĩa gì?

LỜI TỤNG:

Lời quê cũ, mở thâu ai nào biết


Ý thị thành, xuôi ngược kẹt hai bên


Lửa đốt lửa, muôn đời không hề hấn


Tuyết thêm sương, không giảm cũng tăng.

Read More
Người đăng: Phổ Đồng on Thứ Tư, 8 tháng 12, 2010
0 nhận xét
categories: | | edit post


CÔNG ÁN:

Đặng Ẩn Phong đến Vi Sơn, liền vào nhà, lên ván cởi y bát. Vi Sơn nghe sư thúc đến liền đầy đủ oai nghi ra khỏi nhà giảng vào thăm. Ẩn Phong thấy Vi Sơn đến, liền nằm xuống. Vi Sơn thấy vậy trở về phương trượng. Ẩn Phong ra đi. Sau đó Sơn hỏi thị giả:
- Sư thúc đâu rồi?
Thưa :
- Đã đi rồi.
- Lúc đi có nói gì không?
Thưa:
- Không nói gì cả.
Vì Sơn hỏi:
- Chớ bảo không nói. Lời nói kia như điện chớp.

LỜI BÀN:

Rõ ràng gã Ẩn Phong đến đi không chịu nói. Tuy nhiên, chỉ lừa được thị giả sao lừa được Vi Sơn. Cho dù ông sử dụng lối ngôn ngữ gì đi nữa, ngay đến thứ ngôn ngữ của im lặng và chỉ trỏ, cũng bị Vi Sơn khám phá.

LỜI TỤNG:

Tâm Thông sáu căn thông
Trò chơi của Ẩn Phong
Chỉ lừa tên thị giả
Gặp Sơn phơi bày lòng
Tiếng kia như điện chớp
Mắt nọ tựa sao băng
Qua lại có ai hay
Dồn người vào vực thẳm.



Read More
Người đăng: Phổ Đồng on Thứ Năm, 11 tháng 11, 2010
0 nhận xét
categories: | | edit post

CÔNG ÁN:

Tăng hỏi Mã Đại Sư:

- Ly tứ cú, tuyệt bách phi. Xin sư chỉ ngay ý Tây lai cho con.

Mã Đại Sư bảo:

- Hôm nay ta mệt không thể vì ngươi nói được, nên đi hỏi Trí Tạng.

Trí Tạng bảo:

- Sao không đi hỏi Hòa Thượng?

Tăng đáp:

- Hòa Thượng dạy đi hỏi.

Tạng bảo:

- Hôm nay ta bị đau đầu, không thể vì ngươi nói được, nên đi hỏi Hải huynh.

Tăng hỏi Hải huynh.

Hải huynh bảo:

- Ta không biết.

Tăng thưa lại Mã Đại Sư.

Mã Sư bảo:

- Tạng đầu trắng, Hải đầu đen.

LỜI BÀN:

Dưới trướng Mã Đại Sư, cũng có lắm kẻ căn cơ sắc bén như gươm, nhứt cử nhứt động không qua đôi mắt họ. Tuy nhiên cũng có lắm kẻ ù ù cạt cạt như vị tăng này. Ba lần đi hỏi đều bị từ chối, nhưng tại sao không tự hiểu tự ngộ, mà còn đi hỏi tới hỏi lui? Tại sao lúc ấy Mã Đại Sư không cho ông ta ba đạp, để ông ta hiểu thế nào là ý Tây lai, lại còn đi cà kê dê ngỗng với ông ta làm gì cho mệt xác. Ở đây, thử hỏi Tạng đầu trắng Hải đầu đen có ý gì?

LỜI TỤNG:

Rõ ràng lưỡi kiếm đã trình tâu

Có nhận hay không cũng rơi đầu

Một kiếp phong lưu lìa phân biệt

Thảnh thơi ý Tổ trắng đen đầu.










Read More
Người đăng: Phổ Đồng on Chủ Nhật, 7 tháng 11, 2010
0 nhận xét
categories: | | edit post







CÔNG ÁN:


Có nguời hỏi Văn Ích:


- Muốn cầu tri kiến Phật, con đường nào ngắn nhất?


Văn Ích bảo:


- Không qua Đây.


LỜI BÀN:


Không biết muốn cầu ttri kiến Phật, nhưng tri kiến Phật ở chỗ nào mà cầu con đường ngắn nhất? Đã không biết thì con đường ngắn nhất cũng không; còn biết rồi, thì cũng không có con đường ngắn nhất, vì không qua khỏi đây. Vậy đây là gì?


LỜI TỤNG:


Tri kiến Phật ở đây?


Mà bày trò tìm kiếm


Tự mình là con đường


Việc gì phải tìm ngoài


Nếu không hiểu nghĩa này


Ắt vào địa ngục sớm.



Read More
Người đăng: Phổ Đồng on Thứ Tư, 3 tháng 11, 2010
0 nhận xét
categories: | | edit post




CÔNG ÁN:

Vân Môn dạy chúng rằng:

- Nghe ít thời ngộ sâu, nghe nhiều thời chẳng ngộ.

Vân Môn tự đáp:

- Mê gặp Đạt Ma.

LỜI BÀN:

Đường đường là một đại Tông sư, mà dưới trướng không một con ngựa hay, đành để Tông Môn hiu quạnh.

Muối góp vui cùng thiên hạ, không cách nào khác hơn là bày ra trò tự hỏi tự đáp. Tuy nhiên, thử hỏi câu trả lời của Vân Môn, có hợp với quan niệm người xưa hay không? Người xưa bảo, hỏi tức là trả lời. Nhưng ở đây, tại sao câu hỏi của Vân Môn vừa đáp ra, lại trở thành một câu hỏi hóc búa khác? Ý là ở chỗ đó. Hãy trả lời nhanh lên !

LỜI TỤNG:

Võ Đế đa văn thành chướng ngại

Mất rồi Đạt Ma ý Tây lai

Cho dù năng nọ không một chữ

Cũng được truyền thừa ý Hoàng Mai

Tuy nhiên như thế chưa là phải

Mê Ngộ hai đường can hệ chi.

Read More
Người đăng: Phổ Đồng on Thứ Tư, 14 tháng 7, 2010
0 nhận xét
categories: | | edit post




CÔNG ÁN:

Dược Sơn hỏi Tăng:

- Nơi nào lại?

Tăng đáp:

- Hồ Nam.

Sơn hỏi:

- Nước hồ Động Đình đầy chưa?

Tăng đáp:

- Chưa.

Sơn bảo:

- Mưa nhiều sao nước chưa đầy?

LỜI BÀN:

Hỏi đáp càng hóc búa chừng nào thì sẽ tạo cho người hỏi hoặc đáp một cú "Sốc" nặng ký chừng ấy. Trường hợp nếu thấu được thì thấu ngay lập tức, còn không thì mù mịt suốt cả một đời. Ngược lại những câu đáp tỏ ra đơn giản chừng nào, mới nghe qua như rõ ràng minh bạch, nhưng thật ra chính câu hỏi đáp như vậy, mới thật là điên đầu, chúng không đơn giản như ta tưởng. Vì chúng không có đủ sức mạnh để tạo phản cơ mê cho người hỏi hoặc đáp, cho nên khó mà nhận được. Trường hợp này rơi vào công án mà ta đang bàn đến.

Từ trên xuống dưới, hỏi đáp rất bình thường đơn giản, hợp tình lý. Ở đây, nếu khởi lên tâm phân biệt, thì chuyện đầy vơi trở thành rắc rối trong câu hỏi đáp, và vì thế con người trở thành nạn nhân bị các pháp trói buộc. Nhưng thực ra các pháp không có rắc rối và phức tạp. Thử hỏi, vì sao nước không đầy? Chúng có ý gì?

LỜI TỤNG:

Trên đá sao không hoa

Đất bằng sao không sống?

Sáng nay hoa hồng nở

Chúng đâu có lời nào

Ai biết duyên tang hợp

Ai biết duyên đầy vơi

Tâm vật liền dung hợp

Thảnh thơi suốt một đời.

Read More
Người đăng: Phổ Đồng on Thứ Năm, 8 tháng 7, 2010
0 nhận xét
categories: | | edit post


CÔNG ÁN:

Thạch Sương bảo:

- Cần phải biết một câu Giáo Ngoại Biệt Truyền.

Tăng hỏi:

- Một câu Giáo Ngoại Biệt Truyền là gì?

Sương đáp:

- Không phải câu.

LỜI BÀN :

Đã gọi là Giáo Ngoại Biệt Truyền, thì không lập văn tự, đã không lập văn tự thì làm gì có câu. Nhưng ở đây, tại sao Thạch Sương bảo cần phải biết một câu "không phải câu."

Đúng là lão Thạch Sương giỡ trò chơi chữ. Thử hỏi, lão đã cưu mang nó bao lâu rồi, sao không chịu mang xuống tuyền đài cho khỏe, lại đẻ ra nó làm gì khiến cho thiên hạ điên đầu? Ở đây, nếu hiểu câu "không phải câu" là một câu thì Thạch Sương vẫn tầm thường, chả có gì phải nói .

Nếu chúng ta thấu rõ được chúng, thì hiểu được Thạch Sương; còn không, thì dù có ra sức gõ cửa Không, cửa Không vẫn ù lì.



LỜI TỤNG:

Không phải câu tức là câu


Câu, không phải câu là câu


Vượt hai, không phải câu


Không phải câu là như thị.

Read More
Người đăng: Phổ Đồng on Thứ Sáu, 2 tháng 7, 2010
0 nhận xét
categories: | | edit post


CÔNG ÁN:

Vân môn cầm trượng giơ lên bảo:

- Kinh dạy phàm phu cho là thật có, Nhị thừa bảo là không, Duyên giác gọi là huyễn có, Bồ tát bảo đương thể tức không".

- Còn Vân môn bảo:

Nạp Tăng thấy trượng kêu là cầm trượng, đi là đi, ngồi là ngồi, nhưng tất cả không được tâm đắm nhiễm.

LỜI BÀN:

Vân Môn hễ mở miệng ra là nói hoạch toẹt tất cả, không chừa một chỗ nào cho người sau mở miệng. Không phải sao khi ông bảo: "Tất cả không động tâm đắm nhiễm." Thử hỏi, nếu không động tâm đắm nhiễm, thì làm gì có những thứ rắc rối đó; mà tự nhiên cầm trượng kêu là cầm trượng, đi kêu là đi, ngồi kêu là ngồi.

LỜI TỤNG:

Trời rơi trong đáy mắt

Trăng hiện cuối làn mi

Muôn kiếp không nói chi

Nghĩ sao không vướng ý

Nói sao không vướng lời

Động thân không vướng mắc

An lành một kiếp vui.



Read More
Người đăng: Phổ Đồng on Thứ Sáu, 25 tháng 6, 2010
0 nhận xét
categories: | | edit post


CÔNG ÁN:

Có người hỏi Mã Tổ:

- Tâm tức Phật, vậy tâm nào là Phật ?

Mã tổ bảo :

- Ông nghi cái nào không phải Phật chỉ xem?

Người kia không đáp được.

LỜI BÀN:

Người hỏi căn cứ vào câu: " Tâm tức Phật, Phật tức tâm." Nên hỏi tâm nào là Phật . Tổ bảo: "Ông nghi nào không phải Phật chỉ xem? "

Người hỏi vì mê nên khởi lên tâm phân biệt nên có ngăn cách; vì có sự ngăn cách nên có sự nghi ngờ. Ở đây, để phá tâm phân biệt, Mã Tổ không trả lời dong dài lôi thôi, mà chỉ hỏi ngược lại để chẹn họng kẻ hỏi, từ đó đã thông cho họ.

LỜI TỤNG:

Tâm tức Phật là một

Càng ngăn cách đôi đường

Phật tức tâm là khác

Trưởng dưỡng u mê thường



Không một cũng không khác

Ung dung bước quàng xiêng

Không vướng cũng không mắc

Cửa Tổ rộng thênh thang.

Read More
Người đăng: Phổ Đồng on Thứ Bảy, 19 tháng 6, 2010
0 nhận xét
categories: | | edit post



CÔNG ÁN:

Trên đường đi Lễ Châu. Đức Sơn hỏi một lão bà để mua đồ ăn điểm tâm. Lão bà hỏi:

- Trong xe của Đại Đức chở sách vở gì đó?

Đức Sơn đáp:

- Mấy bộ sớ sao kinh Kim Cang.

Lão bà nói:

- Cứ như trong kinh dạy: " Tâm hôm qua bắt không được, tâm hôm nay bắt không được, tâm ngày mai bắt không được." Vậy, Đại Đức điểm tâm là điểm tâm nào? Đức Sơn khôngđáp được.

LỜI BÀN:

Đường đường là một chiến tướng tài ba của Giáo Tông, mà không qua nỗi gót giày của lão bà; vậy mà đòi đi dập tắt yếu chỉ Giáo ngoại biệt truyền của Thiền Tông không biết tự hổ. Tuy nhiên lúc ấy nếu có ta, thì cũng gỡ gạt được phần nào cho Đức Sơn chứ chẳng phải không. Thử hỏi, lúc bấy giờ lão bà có đủ sức đem hết tài ba và vốn liếng của cả một đời, chỉ cần điểm vào chỗ không bắt được đó; hỏi lão bà có làm được việc đó không? Nếu lão bà làm được việc đó, thì tự nhiên Đức Sơn đã điểm tâm rồi; cần gì phải lăng xăng chạy ngược chạy xuôi đến Long Đàm làm gì?

Tuy nhiên, xin lão bà cứ điểm cái tâm đang đói của gã đi, kẽo không gã chết mất, thì lão bà sẽ ân hận, gã cũng không nhắm mắt được để gặp Đạt Ma Tổ Sư, và lúc đó lão bà sẽ được an ủi phần nào khi đọc Kinh Văn Thù.

LỜI TỤNG:

Phương tiện lại phương tiện

Văn thù Phật nói sao?

Chớ chấp lầm phương tiện

Kim Cang Phật nói nào?

Tâm đâu lão bà điểm

Tâm đâu Đức Sơn tìm?

Không kẹt tìm và điểm.

Điểm tâm cho gã đi.


Read More
Người đăng: Phổ Đồng on Thứ Năm, 17 tháng 6, 2010
0 nhận xét
categories: | | edit post


Một hôm ngoại đạo mang hoa đến dâng Phật, thỉnh Phật khai thị.

Phật bảo:

- Buông hoa xuống.

Ngoại đạo buông hoa xuống.

Phật bảo:

- Buông tay xuống.

Ngoại đạo buông tay xuống.

Phật bảo:

- Buông thân xuống.

Ngoại đạo đang lưỡng lự.

Phật quở:

- Buông không được thì gánh lên đi.

Ngoại đạo hốt nhiên đại ngộ.

LỜI BÀN:

- Lão Thích Ca tới tấp dồn người vào mép rìa sống chết của hố thẳm.Thử hỏi, kẻ ngoại đạo kia còn tiếc nuối cái chi mà không buông thân vào hố thẳm? Ở đây, nếu thấy rõ chổ vướng mắc này thì tự nó là một trở ngại cho đương sự, vừa là một cơ hội quyết định cuối cùng, nhờ đó lão Thích Ca vớt vát phần nào cái thất bại ban đầu của mình, và quyết định tung ra một cú nghịch lý tối hậu, để ngoại đạo tự lặn hụp trong cái đánh phủ đầu này, mà mở cho mình một con đường sống.

LỜI TỤNG:

Xưa nay muôn vật vốn dung thông

Chướng ngại do vì chấp có không

Muốn đạt đến nơi thường tự tại

Chẳng cần gánh lấy chẳng cần buông.

Read More
Người đăng: Phổ Đồng on Thứ Hai, 14 tháng 6, 2010
0 nhận xét
categories: | | edit post

LỜI TỰA



Phật tức tâm, tâm tức Phật; Phật vốn không tâm, tâm không Phật: không tâm, không Phật, không vật v.v… những lập ngôn như vậy, luôn luôn vang vọng không ngừng giữa hố thẳm không đáy của Hư không. Đó là những âm hưởng mời mọc, nhưng không có tính cách biểu thị đường đi nước bước cho lối vào. Vì Thiền tự nó là một bến bờ hiểm ách của hố thẳm Hư không, không có cửa vào. Nhưng nếu ai muốn dấn bước vào, thì cứ nhắm vào phía trong mà xông thẳng dù có cửa hay không có cửa.

Ở đây nếu có ai gan dạ, làm chủ được mình, thì cứ thế an nhiên nhảy vào Hố Thẳm. Lúc này, nếu có chư Phật ba đời, 28 vị Tổ Tây Thiên, hay các vị Tổ Đông Độ hợp nhau kéo lại thì cũng chẳng được nào. Còn nếu không làm chủ được mình, dù có liều mạng cất chân lên để nhảy vào, thì chân kia vẫn cất không lên; cho dù các lão có hợp nhau để xô, cũng không thể nào lay chuyễn.

Đại Lãn tôi, nhân những người học đạo, họ muốn khám phá Hố- Thẳm hư không của chính mình, nên mượn những công án ngày xưa, để làm chìa khóa mở tung cửa vô minh giúp họ. Ở đây, họ có dám nhảy vào hay không, đều tùy thuộc vào chính họ.

Tuy nhiên chúng ta mỗi người ít ra một lần dấn bước, để thể nghiệm bước tiến tâm linh; cho dù tán thân mất mạng đi nữa. Đó là con đường duy nhất để nhảy vào Hố- Thẳm hư không của cuộc sống mà tìm lại DIỆN MỤC của chính mình.

Đầu sào trăm thước

Hố thẳm buông tay

Chết đi sống lại

Muôn kiếp nào phai.


GIÀ LAM mùa an cư 1988.

ĐẠI- LÃN

Read More
Người đăng: Phổ Đồng on Thứ Tư, 9 tháng 6, 2010
0 nhận xét
categories: | | edit post




Nam Mô Tiếp Dẫn Đạo Sư A-di-đà Phật





Kính lạy Giác linh Thầy!

Đáng lý con đã về Bình Định hầu thăm sức khỏe Thầy, khi hay tin Thầy bệnh nặng đang nằm điều trị bệnh tại bệnh viện đa khoa Quynhơn Bình Định, nhưng vì có những vấn đề tế nhị nhạy cảm không tiện đối với con nên con đành thất lễ và, cũng vì vậy mà con đành ôm lòng ân hận khôn nguôi! Những điều con muốn bộc bạch cùng Thầy về những gì mà Thầy đã cùng Thầy Tuệ Sỹ và con bàn về hiện tình Giáo Hội trong chiều hướng đấu tranh và phát triển Văn hóa, Giáo dục, Nhân sự cho tương lai của Giáo hội trước đây.

Kính lạy Giác Linh Thầy!

Trước hết chúng con xin sám hối tất cả những gì Thầy đã dạy mà chúng con chưa hoàn thành được, cho dù chúng con có bất cứ lý do gì đi nữa thì điều đó chúng con cũng thấy có lỗi, mong Thầy tha thứ cho chúng con!

Kính lạy Giác Linh Thầy!

Không phải chúng con lười biếng tư duy hay không có năng lực để tìm ra đường lối phát triển về Văn hóa, Giáo dục, đào tạo nhân sự cùng phương pháp phát triển cho hạ tầng cơ sở Giáo Hội trong tương lai. Tuy chúng con đã từng bàn bạc và đề ra phương án cho nhũng sự việc mà Thầy quan tâm đặc biệt đó, nhưng vì hoàn cảnh đặt biệt mà chúng con không thể thực hiện được những điều Thầy mong muốn:

- Về Văn hóa, Giáo dục thì chúng con đang tiến hành tiếp tục phát triển mở rộng việc in ấn và phát hành trong cũng như ngoài nước ba tờ báo: Tập san Nghiên cứu Phật học, Tập san Pháp luân và tập san Hoằng pháp và những gì thuộc về văn hóa nếu có điều kiện cùng các cơ sở giáo dục hiện đang hiện hành từ sơ cấp cho đến cao đẳng như Phật giáo Thừa Thiên Huế đã và đang duy trì và mở rộng thêm. Song song với việc giáo dục này Theo lời Thầy dạy chúng con đang tiến hành mời Giáo sư và người đứng ra trực tiếp điều hành một Đại học Phật giáo sẽ được mở ra tại Tu Viện Nguyên Thiều, ban đầu theo như lời dạy của Thầy là Đại hoc gia giáo và, sau đó sẽ chính thức thành lập một Đại học Phật giáo thực thụ tại nơi đây.

- Về vấn đề đào tạo nhân sự cho Giáo hội từ Trung ương cho đến địa phương, chúng con cũng sẽ đào tạo song song với việc đào tạo của giáo dục. Chính người của giáo dục sẽ được đào tạo qua tập huấn để trở thành những vị lãnh đạo Giáo hội có học sau này cho Giáo hội, tùy theo khuynh hướng của từng người theo đó chúng ta đào tạo họ.

- Về phát triển Giáo hội, chúng con cũng bắt đầu thành lập các Giáo hội địa phương theo hướng đi của Giáo hội từ Trung ương xuống Miền, Tĩnh, Quận, Huyện, Xã, Thôn xóm và, chúng con sẽ lấy các Giáo hội hạ tầng cơ sở làm nền tảng để nắm giữ bổn đạo và người dân qua phương thức cộng tác với Từ thiện xã hội. Chỉ có phương pháp này chúng ta mới tạo được uy tín cho các vị trụ trì, hay các giáo hội đại phương đối với dân chúng và Phật tử địa phương mà thôi. Khi chúng ta tạo uy tín và mọi sự tin tưởng của người dân và bổn đạo địa phương thì việc nắm giữ bổn đạo và kết nạp bổn đạo mới cho Giáo hội rất là dễ dàng. Đó là những gì chúng con đã và đang tiến hành thực hiện như việc thành lập các Giáo hội địa phương, và sắp sửa tiến hành việc mời nhân sự cho việc thành lập Đại học Phật giáo thì đùng một cái chuyện thanh lọc nội bộ ra đời và, như thế là công việc mà trước đó Thầy đã gợi ý cho chúng con làm bị sụp đổ hết và, chúng con hiện đang phải chịu oan đủ thứ nữa.

Kính lạy giác Linh Thầy!

Tiếng oan thì chúng con không sợ! Dù ai có bảo chúng con là thế này hay thế nọ đi chăng nữa! Thì chúng con vẫn là chúng con, không nô lệ cho bất cứ thế lực nào hết. Chỉ tiếc và ân hận là chúng con chưa trình lên Thầy những điều mà chúng con chỉ được phép trình mà không biện bạch; nhưng những điều đó chúng con cũng không làm được. Đó là điều mà chúng con ân hận, nuối tiếc và, chúng con lúc nào cũng cảm thấy chúng con có lỗi với Thầy rất nhiều! Chúng con xin lạy Thầy tha thứ cho chúng con.

Kính lạy giác linh Thầy!

Con rất buồn! khi Giáo hội đang cần Thầy, một vị Thầy lãnh đạo có tinh thần từ bi hỳ xả bao dung độ lượng đối với những thuộc hạ cấp thấp của mình, Thầy có một cái nhìn thấy xa trông rộng, biết tiến thối đúng lúc, biết làm cách nào để phát triển Giáo hội theo chiều hướng ra sao? Biết cách đào tạo nhân tài cho tương lai, biết kết hợp văn hóa và giáo dục cho những phát triển đi lên của Giáo hội. Nhưng giờ đây Thầy đã bỏ Giáo hội ra đi, chúng con biết làm sao đây!? Con quỳ lạy trước kim quan của Thầy mà hai giòng lệ tự nhiên cứ tuôn trào! Con khóc cho vô minh đủ thứ: cho chính con, cho mọi người, cho những bất hạnh của Giáo hội! Cho Phật giáo Việt nam! Một lần nữa con xin kính lạy giác linh Thầy từ bi chứng giám cho lòng thành của chúng con và, tha thứ lỗi cho chúng con. Chúng con nguyện cầu Giác linh Thầy trực vãng lạc bang, thừa sự Phật Di Đà hồi nhập ta-bà hướng dẫn đàn hậu lai chúng con xa lìa biển khổ.



Tu Viện Nguyên Thiều, Bình Định

Ngày 07/07/2008 (05/06/2008 A.L)



Đệ tử

Khấp bái,



Thích Đức Thắng.

Read More
Người đăng: Phổ Đồng on Thứ Hai, 7 tháng 6, 2010
0 nhận xét
categories: | | edit post



Nhất tâm đảnh lễ Lumbini Vô-ưu thọ hạ thị hiện Đản sanh
Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật



“Phật tại thế thời ,
Ngã đẳng trầm luân .
Kim đắc nhơn thân ,
Phật dĩ diệt hậu.”


Vì nguyện lực Người chôn vùi cát bụi
A-Tăng-kỳ, bao kiếp nối đường quanh
Từ Đâu-suất gót mờ vang bóng nguyệt
Ứng mộng vàng thác chất một lần sanh.



Vào một sớm Người về bên núi tuyết
Đem nguyện lành trải dấu bước nhân gian
Nâng tay nhẹ Lâm-tỳ-ni hoa nở
Từng bước chân lay động cõi ba ngàn.



Chim vui hót nhạc trời vang trổi khúc
Khắp Nhơn Thiên mở hội đón tin mừng
Ca-tỳ-la trở mình trong hoan lạc
Đón Người về trong niệm khúc ca vang.



Và từ đó Người hoàn thành nguyện lực
Gieo mầm xanh tuệ giác khắp mọi nhà
Nhổ khổ đau ban cho đời an lạc
Để bây giờ còn lại vết, đi xa.



Trăng vẫn hiện bên hồ xưa in dấu
Ghi lại lần tắm gội bến thiên thu
Cảnh còn đấy bên thời gian hoang vắng
Người ra đi vĩnh viễn khói sương mù.

Con lạc bước trầm luân trong đáy mắt
Về nơi đây qua ký ức nhạt nhòa
Con cúi lạy thay vô minh vạn kiếp
Theo vết chân Người để lại luân hồi.



Đếm từng bước nắng nhòa qua mái tóc
Trắng từng giây trong một niệm thiên thu
Trời đất cũ xin về đây chứng giám
Con lòng thành xin gởi lại nghìn sau.


Phổ Đồng
Chiêm bái Lumbini (Nepal 07/03/2008)

Read More
Người đăng: Phổ Đồng on Thứ Sáu, 21 tháng 5, 2010
0 nhận xét
categories: | | edit post

Theo lịch sử đức Đạo sư để lại qua ba tạng Kinh Luật và Luận của hai hệ Nam truyền và Bắc truyền thì, những nguyên nhân đưa đến việc Thái Tử Siddhātha Gotama đi xuất gia tầm đạo có rất nhiều; nhưng chúng được bao gồm trong hai nguyên nhân chính: đó là nguyên nhân xa và nguyên nhân gần.

a . Những nguyên nhân xa (gián tiếp):

Phát xuất từ nguyện lực từ bi độ sanh của Bồ-tát hạnh mà Bồ-tát đã cưu mang từ trong vô lượng kiếp trong quá khứ cho đến hiện tại: “Vì một đại sự nhân duyên xuất hiện trên đời này là, muốn cho chúng sanh ngộ - nhập vào tri kiến Phật” như trong kinh Pháp Hoa và các kinh điển khác đức Đạo sư đã dạy về nguyên nhân đản sinh của Ngài như thế nào thì, ở đây chính nó cũng là những nguyên nhân liên tục tiếp nối thúc đẩy sâu xa của chánh báo đưa đến và, cộng với những nguyên nhân do y báo hình thành của xã hội vào lúc bấy giờ thúc đẩy Thái Tử Siddhārtha Gotama hoàn thành việc xuất gia tầm đạo giải thoát cho chính mình cùng nhân sinh, ngoài nguyện lực trên ra thì những phong trào tìm giải thoát trong đạo giáo vào lúc bấy giờ của xã hội Ấn Độ vào đầu thế kỷ thứ bảy trước Công nguyên và mãi cho đến thế kỷ thứ sáu cũng là những nguyên nhân gián tiếp đưa đến sự xuất gia gián tiếo của Ngài. Các phong trào này phát triển mạnh mẽ hơn, trong việc chống đối lại các đạo giáo mang đầy những hình thức tế lễ mà không mang lại những lợi ích tối thiểu nào, qua những cuộc tranh luận công khai; đó là phong trào tư tưởng xét lai không có tổ chức; tự họ rời bỏ tôn giáo truyền thống để đi tìm những cứu cánh tâm linh mới. Đai diện cho các phong trào này, chúng ta có thể chia thành bốn khuynh hướng muốn tìm cầu cứu thoát ra khỏi các thế lực vô minh nghiệp khổ cùng những nô lệ giáo điều tôn giáo; chỉ biết lấy việc tế lễ làm kế sống tâm linh, mà đánh mất đi cái tự chủ nhân bản của con người. Phải nói rằng đây cũng có thể là một phong trào cách mệnh tâm linh bất bạo động chống lại truyền thống tế tự tha hóa của các thánh kinh Vệ-đà (veda) và, mở ra một chân trời mới đạt đến điểm đỉnh cao triết lý cùng đạo giáo con người. Thái Tử Gotama sinh ra và lớn lên may mắn gặp vào thời kỳ các phong trào này đã và đang lớn mạnh. Ngài đã tiếp xúc qua tất cả những nhóm này và, mỗi nhóm này không nhiều thì ít cũng tác dụng và ảnh hưởng đối với bước ra đi của Ngài sau đó.

Theo chủ trương của khuynh hướng thứ nhất phát xuất từ Upaṇisad (Aupanisadas: Áo nghĩa thư) cho rằng, mặc dù các nhà Áo nghĩa thư đã cố gắng trình bày một Brahman từ nghĩa Thần chú tế tự của Rg Veda đến Upanisad mở rộng ra một Brahman ý nghĩa hoàn toàn đồng nghĩa với chân lý và trở thành cái tuyệt đối bao hàm cái tổng thể và tự tại trong vạn vật. Ở đây Brahman là nguyên nhân của vạn vật như trong Brhadāranyaka upaniṣad (3.8.8.): “Giống như mọi vật trong thế giới, được bao bọc trong không gian, không gian lại được ở trong cái bất diệt là Brahman” Vì Brahman (chỉ cho đại ngã của vũ trụ) thẩm thấu vào trong mọi vật, nó là tinh thần của mọi vật, nên thân xác con người là tòa nhà của Brahman. Do đó sự liên hệ giữa Brahman và Atman (chỉ cho tiểu ngã cá nhân mọi chúng sanh) trong quan hệ chủ thể và đối tượng người và vật, của người biết và cái được biết, của người thấy và cái được thấy, của người tư duy và cái được tư duy, như trong toàn bộ Upaniṣad được đúc kết tổng hợp lại từ Brhadāranyaka, Chāndogya, Taittirīya, Aitareya và Kausītaki qua Vedānta (Viên thành Vệ-đà) là đỉnh cao của tư tưởng Ấn Độ giáo. Ở đây Brahman va Ātman luôn luôn song hành với nhau một cách hiển nhiên trong việc thể hiện, cho chúng ta thấy Brahman thể hiện cái tuyệt đối, là linh hồn của thế giới còn Ātman là linh hồn của mỗi cá nhân được quan niệm là đồng nhất. Dù cả hai thể hiện theo từng thuộc tính của chúng, nhưng mặc khác chúng cũng đồng nhất giữa Brahman và Ātman như trong các bộ Upaniṣad đã nói, theo Brhadāranyaka Upaniṣad (4.4.7) thì: “ Ātman là vĩ đại, bất sinh, bất lão, bất tử, bất hoại, bất diệt chính là Brahman.” Sự đồng nhất của chúng được thể hiện ra trong lúc ngủ say không mộng mị; đó chính là cái bất tử bất hoại của Àtman, đó là Brahman. Từ tư tưởng này các nhà Upaniṣad khám phá ra sự luân hồi có được của Àtman sau khi chết và, nó vẫn tồn tại dưới hình thức này hay hình thức khác và, cũng từ đây họ khám phá ra hành nghiệp của mỗi cá nhân trong việc tạo thành kết quả. Một người chưa được giải thoát phải đi quanh quẩn trong vòng sinh tử luân hồi, do động lực của lòng tham duc (Kāmayamana) và vô minh (avidyā) thúc đẩy và, nó tùy thuộc vào các hành nghiệp thiện hay ác mà có khổ hay vui. Theo các nhà Upaniṣad thì con người muốn giải thoát vòng luân hồi sanh tử thì phải tận diệt được tham dục (kāma) cùng vô minh. Và như vậy theo họ thì một người muốn được thể nhập vào Brahman và, Ātman người ấy hòa lẫn vào Brahman thì phải đoạn tận chúng (tham dục, vô minh) mới có thể thể nhập vào Brahman và giải thoát được. Qua hai quan niệm về tính nhất thể của vạn vật cùng quan niệm tái sinh do hành nghiệp tạo ra, đó là những khám uyên thâm sâu xa nhất của nhân loại, nhưng có những phân chia mâu thuẫn mà họ không thể nhận ra được đó chính là giữa thế giới trường cữu, tự tại, Bất sinh, bất diệt, bất hoại của Brahman cùng với thế giới thực tại (prakrti) của Ātman cũng bất sinh bất diệt, bất hoại và trường cữu đầy đủ tự do nội tại của chính nó thì việc gì phải thể nhập vào Brahman làm chi? Và như vậy giữa Brahm và Àtman hiện tại trở thành đối lập nhau. Cái gì khiến Brahman tự tại trở thành hiện thực, nhập thể vào trong thế giới luân hồi sinh tử này? Và làm thế nào các hành nghiệp của một con người có thể trói buộc linh hồn hay bản ngã (Àtman) được? vào một thân xác, trong khi Àtman có đầy đủ tự do nội tại của nó? Đó là những điều mà các nhà Upaniad vào lúc bấy giờ không giải thích được, đây chính là một trong những nguyên nhân đưa Thái tử đi xuất gia tầm đạo sau này.

Theo quan niệm của các nhà Duy vật luận vào lúc bấy giờ, họ bác bỏ tất cả mọi quan điểm có được về vấn đề giải thoát của các nhà Upaniad và họ chủ trương mọi vật ở bên ngoài thế giới hữu hình này có được đều do trí tưởng tượng của con người dựng lên, chỉ chấp nhận có thế giới vật chất hữu hình này là có thật, đó là nhóm Thuận thế luận (Lokāyata) và, Cārvaka. Họ chủ trương rằng mọi nhận thức của chúng ta trực tiếp qua giác quan là nguồn kiến thức có được duy nhất của chúng ta, ngoài ra không có bất cứ kiến thức nào là thật qua suy luận, trực giác, kinh nghiệm, giáo dục hay thần linh mặc khải và, do vậy các nhà Lokāyata phủ nhận tất cả mọi sự hiện hữu của linh hồn. Bất cứ vật gì không do giác quan nhận thức thì sẽ không hiện hữu, không có Thượng đế, không có cứu độ, không có linh hồn (ātman), pháp và phi pháp đều không hiện hữu cùng, thiện nghiệp, ác nghiệp không đưa đến quả báo trong tương lai hay đời sau. Và vì vậy họ chủ trương trong hiện tại hãy sống cho hợp lý: Hãy hưởng thụ hết hạnh phúc khi chúng ta còn sống và, cứ ăn sữa lạc cho thõa thích, cho dù chúng ta có vỡ nợ đi chăng nữa! Điều có giá trị duy nhất trên đời này là chúng ta làm bất cứ điều gì đem lại hạnh phúc càng nhiều càng tốṭ. Ảnh hưởng của nhóm này vào lúc bấy giờ cũng rất đáng kể đối với quần chúng. Họ sử dụng lối phê phán sắc bén với thái độ hoài nghi tất cả những lý tưởng có được từ mọi sự tưởng tượng và suy diễn thiếu tính hiện thực, họ đều không chấp nhận và nhạo báng, họ phản đối mọi sự tìm kiếm triết lý xa vời thiếu thực tế trong khi mọi người bỏ thế giới hiện thực không màn để ý đến nó, mà chỉ biết:



“Hướng vế điều vô hình

Bỏ rơi cái hữu hình

Phái Cārvaka biết

chuyện điên đảo chúng sanh!”

(Saddarsanasamuccaya 9.6).



Thật ra, đây cũng chỉ là một quan điểm thiên kiến méo mó, nếu sống mà chỉ biết có dục lạc hiện thực mà không biết được những khổ đau đi theo sau những dục lạc đó thì đó cũng chỉ là những phê phán nửa vờï bỡi vì chính những đau khổ đi theo sau những khoái lạc cũng là một hiện thực, nhưng tại sao phái này lại chối bỏ hiện thực này? Đây cũng là một trong những nguyên nhân đưa Thái tử đi xuất gia tầm đạo sau này.

Theo quan niệm của các nhà trong phái khổ hạnh (tapasvin) thì, khổ hạnh là một hình thức để tạo ra năng lực và, từ năng lực này được huân tập nhiều chừng nào trong tiết dục thì việc hoàn thành giải thoát sẽ ở gần trong tầm tay chúng ta chừng ấy, chứ không phải Khổ hạnh có nghĩa là ăn năng hối cải những sai lầm chúng ta đã tạo ra như một số người đã hiểu một cách sai lầm qua định nghĩa chữ Phạn tapasvin (khổ hạnh) có nghĩa là “Ăn năng hối cải”. Khổ hạnh ở đây có nghĩa là cố gắng tạo dựng tương lai. Nó căn cứ vào niềm tin về sự hành xác để tạo ra nhiệt lượng tâm linḥ Nếu một người theo khổ hạnh mà bị nhục dục lôi cuốn thì thần lực tích trữ kia sẽ lập tức biến mấṭ. Theo các nhà tu khổ hạnh thì hành giả chứng đắc được thần thông là nhờ người đó đã tích lũy được nhiều thần lực tapas và, chính trong kinh Rg Veda cho rằng thần Indra, Thiên chủ đạt được ngôi vị tối cao ở trên thiên đình là nhờ có tapas. Phong trào khổ hạnh này cũng đóng một vai trò quan trọng vào lúc bấy giờ, các nhà tu khổ hạnh đã trở thành những địch thủ ngay cả đối với các thần linh vì nhờ có năng lực tapas được huân tập tích trử của họ mà các Thiên thần phải tìm cách phá hoại qua việc phái những tiên nữ diễm lệ xuống trần quyến rũ những vị tu khổ hạnh khiến cho họ mất thần túc thông, huống chi là các vị tế sư Bà-la-môn không phản đối phong trào này sao được? Trong thực tế họ mất đi những vị khách cúng tế và, những gì phong trào khổ hạnh làm đều đi ngược lại truyền thống cúng tế cổ truyền của họ, vì tự thân của khổ hạnh là hy sinh đi những lạc thú cá nhân ở thế gian, để tìm kiếm một con đường giải thoát cho chính cá nhân mình. Theo quan điểm các Bà-la-môn việc chấp nhận đời sống khổ hạnh chỉ hợp lý đối với tuôi già, khi họ đã hoàn thành việc chăm sóc gia đình, thực hiện các phận sự mà giai cấp của họ phải làm và, đã có con trai thay thế họ trong gia đình và ngoài xã hôi. Tu khổ hạnh thì có vô số phương pháp luyện thân xác qua thực hành ly dục mục đích là làm cho thân thể không còn những đòi hỏi vật chất làm trở ngại tinhtha62n khi huân tâp tapas tinh thần, nhưng trong những phương pháp được gọi là tối ưu và đưa đến giải thoát đó chính là phương pháp tu tập tinh thần tự chủ qua việc luyện hơi thở ra vào điều hòa, từ đó tâm hành giả trở nên an lạc nhất thời trong lúc tu tập. Phương pháp tu khổ hạnh này tuy chúng có thể đưa hành giả đến chỗ giải thoát, nhưng vẫn không rốt ráo trong việc giải thoát trọn vẹn. Tuy vậy, nhưng nó rất ảnh hưởng đến việc việc Thái tử xuất gia tầm đạo sau này.

Theo quan điểm các nhà Du tăng khất thực, cho rằng gia đình, vợ con, xã hội, công việc là những thứ ràng buộc khó đưa họ đến giải thoát. Họ muốn đi tìm tự do và kiến thức mới, nhu cầu hướng đến việc mở mang tâm trí đã lôi cuốn mọi người, thúc giục hàng nghìn người thuộc mọi tầng lớp kể cả giai cấp bỏ hết công việc, giao phó vợ con cho đại gia đình, từ bỏ mái nhà, làng xóm, thành thị mà chấp nhận đời sống độc cư, du hành đây đó với ước mong tìm kiếm được trí tuệ giải thoát. Sự phá vỡ truyền thống của đời sống du hành khất thực chúng tương đồng với các nhà khổ hạnh đó là mặt hình thức còn tinh thần thì mỗi trường phái có mỗi quan điểm khác nhau: Một số theo thuyết ngụy biện, một số theo thuyết định mệnh ngay đến giải thoát cũng do tiền định không thể biến cải được. Nhưng phần đông họ là những nhà thí nghiệm đạo lý, lúc thì thực hành giáo phái này, khi thì gia nhập giáo phái nọ. Họ cũng có thể gia nhập vào trong truyền thống Upanisad để tìm hiểu đạo trong một thời gian, hay hành trì khổ hạnh, hoặc thí nghiệm một phương pháp riêng nào đó của họ mong đạt được trí tuệ giải thoát. Vì việc du hành khất thực của họ là để tìm hiểu và thực hành những phương pháp nào có thể đưa đến trí tuệ giải thoát thì họ tìm đến học hỏi tranh luận. Những cuộc tranh luận giữa họ và những người khac quan điểm thường xảy ra tại các lâm viên, hoặc ven các làng xã, chúng thu hút rất nhiều người, trong đó có cả Thái tử Gotama.

Qua những phong trào này Thái tử Siddhartha Goptama đã từng tìm hiểu và, cũng nhờ những phong trào này âm ỉ ảnh hưởng thôi thúc một cách âm thầm cho những quyết đinh dứt khoát sau này của Thái tử, nó cũng là những nhân tố gián tiếp tác đông lên tâm thức của Ngài trong việc hoàn thành chí nguyện xuất gia của mình sau này.

b . Những nguyên nhân gần (trực tiếp):

Ngoài những nguyên nhân như trong Vedānta và những phong trào phản đối nghi thức tôn giáo quá rờm rà nhiêu khê về mặt hình thức luôn trói buộc, nhưng trong nội dung thì không mang đến một đạo lý giải thoát nào về mặt phát triển trí tuệ cả, đó là một hậu quả tất yếu cùa dòng biến thiên lịch sử phải có vào lúc bấy giờ. Ở đây Thái tử Siddhartha Gotama một phần nào, không ít thì nhiều cũng chịu một sự ảnh hưởng gián tiếp qua những kiền thức mà Thái Tử đã học hỏi được từ những bậc thầy nổi danh vào lúc bấy giờ, về truyền thống đạo học tâm linh qua bốn bộ Veda cũng như các bộ Upaniṣad và những thực tế qua cuộc sống, được Ngài kết hợp một cách hài hòa và nhạy bén trong từng nhận thức rẳng cuộc đời không phải lúc nào cũng mang đến cho chúng ta những lạc thú, mà đằng sau những hạnh phúc (sukkha) của các lạc thú đó ẩn núp những vô thường khổ đau (dukkha) rình rập như trong Kinh Tăng Chi bộ (Anguttara Nikāya) (AN. 3.38) đức Đạo sư đã dạy lại các đệ tử của mình: “Này các Tỳ-kheo, ta đã sống cuộc đời rất được nuông chiều trong vương cung. Các Tỳ-kheo, trong cuộc đời đầy hạnh phúc đó, xuất hiện trong ta tư tưởng này: ‘Quả thật một người chỉ biết sống đời sống thế gian hoàn toàn thì, chính người ấy sẽ bị chi phối bỡi tuổi già, lại rất ghét khi thấy người già nua. Nhưng ta cũng không thoát khỏi tuổi già và bị nó chi phối. Vì nghĩ như vậy nên này các Tỳ-kheo, mọi lạc thú lìa xa ta.’

“Quả thật một người chỉ biết đời sống thế gian hoàn toàn thì, chính người ấy bị chi phối bỡi bệnh tật, lại rất ghét khi thấy người bệnh tât. Nhưng ta cũng không thoát khỏi bệnh tật và bị nó chi phối. Vì nghĩ như vậy nên này các Tỳ-kheo, mọi lạc thú lìa xa ta.

“Quả thật một người chỉ biết đời sống thế gian hoàn toàn thì, chính người ấy bị chi phối bỡi cái chết, lại rất ghét khi thấy người chết. Nhưng ta cũng không thoát khỏi cái chết và bị nó chi phối. Vì nghĩ như vậy nên này các Tỳ-kheo, mọi lạc thú lìa xa ta.”

Đã là những tư duy được Ngài rút ra từ những kiến thức học hỏi cùng những thực tế cuộc sống và trong Trung Bộ Kinh (Majjhima Nikāya) 26. Kinh Thánh Cầu (MṆ 26.16) đức Đạo sư cũng dạy:

“Khi ta còn là Bồ-tát, ý tưởng này đã khởi lên trong tâm ta: ‘Đời sống tại giạ đầy bất tịnh, thật là chật hẹp. Đời sống của Sa-môn thì tự do như bầu trời khoáng đãng.…” Và từ những tư duy kinh nghiệm sống này, cộng với những thực tế nhất là qua bốn lần du hành qua bốn cử thành, những thực tế về lão bệnh tử cùng vị sa môn, là những nguyên nhân đã tác động mạnh trực tiếp vào tâm trí Thái Tử như trong kinh 1 Đại Bản Trường A-hàm (Đ. 1, tr. 0006a – 0007a) bên Hán tạng, tương đương với Kinh Trường Bộ (Dīgha Nikāya) Kinh 14 Đại Bổn Pāli , đức Đạo sư đã thuật lại về những nguyên nhân trực tiếp đưa đến việc xuất gia tầm đạo của bảy vị Phật trong thời quá khứ và, cũng là của cá nhân Ngài:

- Lần du hành thứ nhất:

“Một hôm, Bồ-tát muốn ra khỏi thành để dạo chơi và quan sát, bèn ra lịnh người đánh xe sửa soạn xe báu để Ngài đi đến công viên tuần hành và du ngoạn. Người đánh xe sau khi sửa soạn xa giá xong, tâu Thái tử: ‘Giờ đã thích hợp.’ Thái tử cỡi xe báu đi đến khu vườn công cộng kia. Giữa đường, Ngài gặp một người già, đầu bạc, răng rụng, lưng còm, mặt nhăn, rung rinh trên chiếc gậy, thở khò khè theo nhịp bước khó khăn. Thái tử liền xoay hỏi quân hầu: ‘Đó là người gì?’ Đáp rằng: ‘Đó là người già.’ Lại hỏi: ‘Già là thế nào?’ Đáp: ‘Già là người mà tuổi thọ sắp hết, không còn sống bao lăm nữa.’ Thái tử lại hỏi: ‘Ta đây cũng sẽ như thế, không tránh khỏi tai họa này chăng?’ Đáp: ‘Phàm đã có sinh tất có già, đâu kể gì sang hèn.’ Nghe vậy Thái tử buồn bã không vui, liền bảo quân hầu đánh xe về. Ngài lặng lẽ suy niệm: ‘Ta cũng sẽ như vậy, chịu nỗi khổ vì bệnh này.’”

- Lần du hành thứ hai:

“Một thời gian sau, Thái tử bảo quân hầu đánh xe đi dạo. Giữa đường, Ngài gặp một người bệnh, thân gầy, bụng lớn, mày mặt sạm đen, nằm một mình trên phân dơ, không ai chăm sóc. Bệnh rất khổ, miệng cứng không nói được. Thái tử xoay lại hỏi quân hầu: ‘Đó là người gì?’ Đáp: ‘Đó là người bệnh.’ Hỏi: ‘Bệnh là thế nào?’Đáp: ‘Bệnh là là bị các thứ đau nhức hành hạ, chết sống không biết lúc nào.’ Hỏi: ‘Ta cũng sẽ như thế, không tránh khỏi tai họa này sao?’ Đáp: ‘Phải. Phàm có sanh thì có bệnh, không kể gì sang hèn.’ Nghe vậy, Thái tử trở nên buồn bã không vui, liền bảo quân hầu đánh xe trở về. Ngài lặng lẽ suy nghĩ: ‘Ta cũng sẽ như vậy, chịu nỗi khổ vì bệnh này.’”

- Lần du hành thứ ba:

“Lại một lúc khác, Thái tử bảo quân hầu đánh xe đi dạo. Giữa đường, Ngài gặp một người chết; phan lụa nhiều màu dẫn đường trước sau; dòng họ, thân quyến, tiếc thương than khóc, đưa ra khỏi thành. Thái tử lại hỏi: ‘Đó là người gì?’ ‘Đó là người chết.’, quân hầu đáp. Hỏi: ‘Chết là thế nào?’ Đáp: ‘Chết tức là hết. Hết gió đến hết lửa, các căn bại hoại. Kẻ còn kẻ mất đôi đường, gia đình ly biệt. Đó gọi là chết’ Thái tử lại hỏi người đánh xe: ‘Ta đây cũng sẽ như thế, chưa khỏi tai hoạn này chăng?’ Đáp: ‘Phải. Phàm đã có sanh tất có chết, chẳng kể sang hèn.’ Nghe vậy, Thái tử lại càng buồn bã không vui, bảo đánh xe về. Ngài trầm ngâm suy nghĩ: ‘Ta cũng sẽ như vậy, chịu nỗi khổ vì bệnh này.’”

Lần du hành thứ tư:

“Lại một lúc khác, Thái tử bảo quân hầu đánh xe đi dạo. Giữa đường, Ngài gặp một vị Sa-môn, bận pháp phục, tay cầm bát, mắt nhìn xuống đất mà bước đi. Thái tử liền hỏi quân hầu: ‘Đó là người gì?’ ‘Đó là vị Sa-môn’, quân hầu đáp. - ‘Sao gọi là Sa-môn?’-‘Sa-môn là người xa lìa ân ái, xuất gia tu đạo, chế ngự các căn, không nhiễm ngoại dục, có tâm từ đối với hết thảy, không làm tổn hại vật gì; gặp khổ cũng không buồn, gặp vui cũng không mừng, hay nhẫn như đất. Đó gọi là Sa-môn.’ Thái tử bèn nói: ‘Lành thay! Đó là đạo chân chính, tuyệt hẳn mọi trần lụy, chỉ vui thú với cái vi diệu thanh hư.’ Thái tử liền bảo quân hầu đưa xe đến gần, và hỏi Sa-môn rằng: ‘Ông cạo bỏ râu toc, bận pháp phục, cầm bát như vậy, chí ông muốn cầu chuyện gì?’ Sa-môn đáp: ‘Phàm người xuất gia là cốt điều phục tâm ý, xa lìa trần cấu, thương xót cứu giúp quần sanh, không làm điều gì xâm hại, trong lòng rỗng rang tịch mịch, chỉ có bề giữ đạo mà thôi.’ Thái tử khen: ‘Hay lắm! Đạo này rất chân chính.’ “

Qua bốn lần du hành, những điều thấy, nghe qua thực tế đã tác động mạnh lên tâm thức Thái tử Siddhārtha Gotama. Từ những thấy nghe đưa đến những suy nghĩ làm buồn lòng Ngài không ít, vì bản thân của Ngài cũng sẽ không vượt qua khỏi những nỗi thống khổ của già - bệnh - chết này, đó là những tác động trực tiếp đối với Thái tử và cũng từ những tác động trực tiếp này đã đưa Ngài đến con đường xuất gia tầm đạo mong cầu giải thoát khỏi chúng. Theo như lịch sử thì sau khi Ngài gặp vị Sa-môn rồi trở về lại hoàng thành để gặp lại vợ con lần cuối rồi Ngài mới tìm đường xuất gia ngay trong giữa khuya đêm hôm đó nhằm ngày mồng 8 tháng 2 Âm lịch theo lịch Trung Hoa (theo lịch sử của đức Phật lịch sử) năm Ngài 29 tuổi tức năm 534 trước Công nguyên; nhưng theo trong kinh thì ngay trong cuộc du hành thứ tư sau khi gặp vị Sa-môn kết thúc thì, Ngài liền bảo quân hầu: “Mang áo trân bảo của Ta và xa giá về, tâu lại Phụ vương biết rằng ngay tại đây, Ta sẽ cắt bỏ râu tóc, mặc ba pháp y, xuất gia tu đạo. Vì Ta muốn điều phục tâm ý, xa lìa trần cấu, giữ mình thanh tịnh để cầu chánh đạo.’ Quân hầu liền đem xa giá và y phục của Thái tử về tâu lại phụ vương, còn Thái tử thì cắt bỏ râu tóc, mặc ba pháp y, xuất gia tu đạo.” (Đ. 1, tr. 0007a). Sự kiện thời điểm ra đi xuất gia tầm đạo của Ngài tuy có sự sai khác nhau một chút trong thời gian; nhưng chúng vẫn nói lên được tính dứt khoát trong việc tìm đường thoát khổ cho chính mình và cho mọi người dù thời gian có được chuẩn bị hay chưa? Nhưng ở đây theo lịch sử mang tính truyền thuyết thần kỳ, nên sự kiện này như là một dữ liệu để chúng ta đối chiếu và xử lý cho hợp lý hơn sau này.

Đại Lãn

Read More
Người đăng: Phổ Đồng on Thứ Bảy, 24 tháng 4, 2010
0 nhận xét
categories: | | edit post

nhạc nền

Video - Phim

About Me

Ảnh của tôi
Từ vô thỉ ta luân hồi cát bụi, Vẫn miệt mài bám lấy cõi trần gian; Vẫn hít thở âm thầm yêu cuộc sống, Trần gian ơi nghe cát bụi mơ màn. Theo khát vọng ta trầm luân gót mỏi, Đếm đường dài vết cũ bụi chưa tan; Ngoảnh mặt lại khói sương mờ phong kín, Đường qua đi mất dấu tự phương ngàn. Ta dong ruỗi lạc loài theo nắng sớm, Cùng mưa chiều tan nát mộng dưới chân; Đất khẽ gọi con gió chiều đi vắng, Về tự tình đưa tiễn mộng nghìn năm. Nghe tan vỡ từ vô thường hoa nở, Nắng nghìn năm trưa buồn lạ trong hồn; Chiều ủ rũ qua nắng tàn trăng hiện, Từng giọt vàng rơi cõi đất mông lung. Vẫn hiện thực qua sắc màu biến đổi, Chuyện trăng tàn nhớ bóng ráng chiều phong; Tựa hơi thở buồn vui nào biết nổi, Cả một đời qua sinh diệt thời gian. Chợt một sớm rảnh rang nhìn đất thở, Đá cựa mình nghe dao động không gian; Như hoa đớm hạt nắng vàng ảo hóa, Giọt mong manh từng giọt đẹp vô ngần. Theo duyên hiện hóa thân vào vô tận, Duyên trùng trùng cho đến mãi vô chung.