Ngoạn thạch (chơi đá) một hình thức biểu trưng cho nội dung thưởng lãm đá (thạch ngoạn) đã và đang trở thành phong trào thời thượng trong hiện tại, tại Việt nam. Nhưng cách chơi đá và thưởng lãm đá này mang đậm tính chủ quan tính hơn là khách quan, vì bản thân của thưởng lãm chúng luôn tùy thuộc vào khả năng thưởng lãm của mỗi cá nhân tùy thuộc vào kiến thức và trình độ nhận thức của mỗi người về hiện vật; do đó chúng không có bất cứ một nguyên tắc chung nào hết. Vì bản thân cái đẹp của chân lý nói chung, không nằm trong suy tưởng hay lý luận của tư tưởng nhị nguyên phân biệt, mà nó mang bản thể của một nhất thống của phi nghệ thuật chứ không nằm trong nghệ thuật tương đối để đánh giá về một cái đẹp theo chủ quan tính cá biệt mỗi người. Vì giữa nghệ thuật và phi nghệ thuật chơi và thưởng lãm nghệ thuật nói chung và về đá nói riêng, chúng có một khoảng cách khá xa trên mặt luận lý hình thức của nghệ thuật và trên mặt bản thể của phi nghệ thuật.

Nhân đọc quyển nghệ thuật chơi đá của hai tác giả: Lý Lược Tam và Huỳnh Ngọc Trảng, chúng tôi xin tóm lược lại  nội dung và hình thức của quyển sách này. Qua quyển sách dày bảy mươi hai trang do nhà xuất bản Mỹ Thuật ấn hành năm 1997 này, về hình thức rất trang nhã đẹp và, sách được chia ra làm hai phần chính: Phần thứ nhất, khảo luận về thú chơi đá, phần thứ hai là thạch ngoạn.

Phần đầu chia làm ba. Một, dẫn nhập. Hai, lý và sự thú chơi đá. Ba, sổ tay người chơi đá.

Phần thứ hai thạch ngoạn, với 43 bức tranh màu về đá đủ để nói lên tính đa dạng về những biểu trưng của nghệ thuật chơi đá (ngoạn thạch), mà qua đó chúng sẽ là những đối tượng thưởng ngoạn cho chúng ta.

Theo hai phần này, tuy hai tác giả đã nói “Thuật nhi bất tác” trong lời nói đầu, nhưng đây quả là một việc làm có tính cách tổng hợp có hệ thống, cho dù chỉ hạn hẹp trong vòng 72 trang; song chúng cũng nói lên được cái tính cách nghệ thuật phi nghệ thuật (The art of artlessness) của tư tưởng Đông Phương, nhất là nó mang đậm tính vượt thoát của tư tưởng Phật giáo Thiền tông trong nó.

I . Từ nghệ thuật ngoạn thạch đến phương pháp thưởng lãm phi nghệ thuật trong chúng có một khoảng cách khá rộng trên mặt luận lý hình thức, nhưng trên mặt bản thể chúng không có bất cứ một sự ngăn cáh nào giữa đá và người thưởng lãm:

“Chúng ta là người giám thưởng đá nếu không vì hình dáng và màu sắc của cục đá mà mê, cũng không vì nó là một cục đá trải đường mà khinh, thì chúng ta hãy trực tiếp khế nhập vào ‘bản thể sinh mạng’ của cục đá, tham nhiếp cái ‘bản lai diện mục’ của nó mà quay nhìn lại ‘bản lai diện mục’ của mỗi chúng ta. Đúng là cục đá này không có dáng vẻ, vô hình tướng, nhưng không chỗ nào không hình dáng; đúng là một cục đá này không ngôn ngữ nói năng, nhưng không chỗ nào là không ngữ ngôn. Nội hàm của nó phản phất như có cái dáng vẻ thuần túy-giản phác, hồn nhiên-tỉnh lược từ trong cái dáng vẻ phức tạp mà ra; hoặc từ cái tuyệt đối không hình dáng nhưng với một điểm ‘tình vị’ vô tướng nơi tâm chúng ta thêm vào một điểm thôi-một điểm mà ‘thêm hơn ắt quá nhiều, ít hơn ắt quá không’. Cái cảnh giới của cái ‘tình vị’ mà tâm chúng ta thêm vào với đá-cảnh giới người tìm đến với đá, và đá khế hội cùng người-cái cảnh giới đó khó nói nên lời được; hoặc nó phảng phất như một câu ‘thoại đầu’ mà chúng ta qui kết từ trong đống văn chương ngữ lục, hoặc từ trong cái vô ngôn tuyệt đối chúng ta ‘phương tiện’ tụng lên một câu Phật kệ: Để tự chúng ta-những ‘thức giả’ tự thức và ‘bất thức giả’ tự bất thức vậy.. Đó là bản lý để chúng ta biết tại sao nói cục đá này ‘vô hình nhi vô sở bất hình; vô ngôn nhi vô sở bất ngôn’, Chơi đá là một thú tiêu nhàn, một diệu dược và cũng có thể tạm gọi coi hư một phẩm trợ đạo thân dẫn chúng ta trở về với tánh bản nhiên của chúng ta.” (trang 8).

Ở đây hai tác giả đã mở ra cho chúng ta một phương pháp thể nhập trực tiếp vào với đá, không qua bất cứ phương pháp nào hết, ngoài tự thân mọi người và, tự tham thấu qua những biểu tượng, tượng trưng qua hình thể cục đá, để đạt được những cảm nhận trực giác nào đó đối với bản thân và đối tượng được thưởng lãm. Nhưng điều này khó có thể xảy ra cho những người thưởng lãm đá, khi mà giữa chủ thể và đối tượng không được đưa lên hàng bình đẳng ngang nhau thì, đó chính là lúc người và vật có sự ngăn cách nhau. Muốn đạt đến tình trạng “tâm vật nhất như” như của nhà Thiền thì chúng ta phải tham nhiếp trực tiếp vào “bản thể sinh mạng” của cục đá như quay nhìn lại cái “bản lai diện mục” chúng ta vậy. Đây chính là sự thâm nhập vào cái bản lai diện mục của mỗi chúng ta qua pháp phi nghệ thuật của Phật giáo Thiền tông, mà nghệ thuật thưởng lãm đá khó đạt đến.

Từ nghệ thuật đến phi nghệ thuật về mặt hình thức (chỉ cho sự) tuy thấy chúng có sự ngăn cách với bản thể (chỉ cho lý). Nhưng tựu trung sự ngăn cách đó là một sự cần thiết, để nhờ đó chúng ta mới có khả năng bước đến bước thứ hai (nếu không có bước thứ nhất thì chắc chắn sẽ không có bước thứ hai) để thể nhập vào bản thể của sự vật. Do sự cần thiết này, cho nên hình thức cục đá cũng dự phần quan trọng vào tính quyết định của việc thấu đạt bản thể sự vật; tuy chúng chỉ mang hình thức biểu tượng phương tiện, nhưng không thể không có hình thức hình dạng) để chúng ta thưởng lãm. Về hình dạng cục đá thì theo như sách, hai tác giả đã chỉ dẫn gồm có sáu dạng thức tổng quát sau đây:

- Cô thuận thạch: đá gầy guộc nhăn nheo.

- Viên hược thạch: đá tròn lẳn.

- Thấu lậu thạch: đá lồi lõm, có lỗ hang.

- Tượng hình thạch: đá tượng hình nhân vật hay đồ vật.

- Quái thạch: đá có hình dạng quái dị, cũng gồm có phần xấu xí.

- Thanh tú thạch: đá có vân sớ mạch lạc, nổi rõ; dáng vẻ đẹp, màu sắc nhu hòa. (trang 11).

Tuy có sáu dạng thức tổng quát, được mọi người chấp nhận; nhưng trên mặt sai biệt đặt trưng của từng loại đá, thì được phân ra làm nhiều loại khác nhau để phù hợp cho tính đa dạng của màu sắc. Nói chung là để phù hợp với cách chọn đá mà người ta phải dựa vào hình dạng, chất đá, màu sắc … theo những qui luật nhất định nào đó đã được chọn lựa và đặt tên cho chúng, để cho tên chúng được hợp thức hóa là “chính danh”. Tuy chúng ta đề cập đến rất nhiều phương pháp nghệ thuật (điều kiện cần và đủ) chơi đá trên mặt biểu tượng hình thức. Nhưng nguyên tắc cơ bản của thú chơi đá vẫn tôn trọng tuyệt đối “tính tự nhiên của đá” không cần bàn tay can thiệp của chúng ta vào hình dáng của chúng. Nếu như chơi đá mà không tuân thủ tính tự nhiên của chúng thì, chúng ta đi ngược lại nguyên lý tối hậu của kỳ thú này. Chơi đá từ nghệ thuật đến phi nghệ thuật là một phương thức tuy chúng có những chuẩn tắc, nhưng những chuẩn tắc này được xem như là cái thuật, cái phương tiện tạm thời để từ đó vượt qua khỏi chính nó, mà đạt đến mục đích “giản thạch bổ thần” tìm đến cái nhiên tính của trời đất, cùng hòa tâm mình vào với đá, mà vật thể này tự chúng nói lên được cái tính tự nhiên của chúng đó là:

“Một vật thể có từ khởi thỉ, đã từng trải qua mưa nắng, gió sương, đã ngâm mình dưới sông sâu, suối cạn và thời gian đã tạc lên đo những vết hằn hồng hoang, để lại vết tang thương dâu bể, và tạo nên hình tướng vô hình thề, không chủ ý, nhưng ở đó lai5co1 vẻ âm nhu tú lệ (thanh), vẻ cục mịch, vụng dại, thô xấu (sửu), vẻ cứng cỏi kiên liệt (ngoan), lại hồn phác đôn hậu (chuyết), lại hiển hiện vẻ độc đáo tyệt diệu của bàn tay tạo hóa (kỳ), lại biểu lộ sự mượt mà sáng loáng (tú), lại hiểm hóc kỳ khu (hiểm), và hàm chứa cái đẹp của hình dáng bất khuất, quanh co thông vào chỗ thâm sâu vắng lặng (u). Thanh, sửu, ngoan, chuyết, kỳ, tú, hiểm, u là những đặt phẩm cấu thành vẻ đẹp tổng thể của một tác phẩm nghệ thuật mà đá có thể có sở đắc.” (trang, 17-18).

Đó là sự (nghệ thuật) cần thiết để từ đá mà chúng ta đạt đến lý tính (phi nghệ thuật) của đá trong vấn đề ngoạn thạch. Ngoài nghệ thuật cần cho đá ra, ở đây chúng ta còn cần sự phối hợp hài hòa giữa đá và bối cảnh chung quanh (không gian) thì, nền, đài, bệ, giá, kệ …. tùy thuộc vào màu sắc, chất đá, hình dáng của khối đá mà chúng ta trình bày. Và do đó, nghệ thuật chơi đá trở nên phong phú và, đa dạng hơn trong cuộc sống của chúng ta.

II . Thạch ngoạn, một pháp phi nghệ thuật, vì phương pháp thưởng ngoạn đá không có bất cứ một phương pháp chuẩn mực nào để thể hiện cái nhìn đúng về sự vật cả. Vì chúng luôn luôn tùy thuộc vào kiến thức từng cá nhân của mọi người được thể hiện qua cái nhìn của họ về khối đá. Do đó, nói đến việc giám thưởng để được hoàn thiện về nó thì rất khó mà xác định:

“Sự hoàn thiện luôn luôn ở phía trước: Cục đá được nhặt về và giám thưởng cả đời cũng chưa ai dám nói là đã hie633u tường tận.” (trang 5).

Ở đây, chính vì sự không hoàn thiện của việc thưởng lãm đá đến nơi cùng tận của nó, cho nên sự giới hạn của chúng được đặt ra trên bình diện tương đối, cho một giới hạn nào đó trong quan niệm kiến thức về cách thưởng lãm theo nhãn quan của từng người. Do đó, chúng không có tiếng nói chung cuộc như Thiền tông khi vượt qua khỏi những tắc Công Án, hay những câu Thoại Đầu được đặt ra cho hành giả. Tuy nhiên, bốn mươi ba bức tranh đá này, nếu đem trình diện trước nhãn quan của các hành giả Thiền tông thì, chúng sẽ trở thành những tắc Công án. Nhờ vậy mà chúng luôn luôn ở trong dang tự tại, lúc nào cũng hấp dẫn mọi người. Vì chúng tự tại cho nên không ai có thể nắm bắt được chúng. Khi mà một vật không thể nắm bắt được thì càng không thể thủ đắc được thì, vật ấy càng hấp dẫn hơn. Nhưng chính nhờ sự không thủ đắc được này mà chúng lay động được tâm thức mọi người, để từ đó chúng trở thành cái bị vượt qua. Vì thế bốn mươi ba bức tranh đá màu này, trước hết chúng chỉ được coi như là những vật đã được thủ đắc trong cái diện tương đối qua những tên được đặt của chúng và, chúng luôn luôn tùy thuộc vào biểu cảm của những người thưởng lãm áp đặt lên chúng. Chúng ta cũng là những người thưởng lãm, chúng ta không cần phải độc những dòng chữ được ghi dưới mỗi bức tranh, mà chúng ta cũng có quyền nhìn chúng qua biểu cảm của chính riêng mình, chứ không nhất định là phải như thề này hay như thế kia theo cái nhìn của họ. Chính vì không có tiếng nói chung về mặt tương đối, cho nên từ đây chúng hình thành một cái nhìn khác về sự vật, với con mắt của nhà Thiền là “từ đâu đến và sẽ đi về đâu?” chúng sẽ biến thành khối nghi và, từ những khối nghi này, nếu biết cách đẩy chúng đến chỗ tận cùng thì, ngay tức khắc dưới chân những khối đá này sẽ vỡ tung, biến thành hư không trong cái nhìn thực hữu.

Chuyện chơi đá (ngoạn thạch) nói chung và, thưởng lãm đá (thạch ngoạn) nói riêng còn rất dài, xin mọi người tìm đọc kỹ hơn quyển sách nói trên (Nghệ thuật chơi đá ngoạn thạch của đồng tác giả: Lý Lược Tam, Huỳnh Ngọc Trảng, xuất bản Mỹ thuật 1997.) Ở đây chúng tôi xin tạm kết bài viết này với bốn câu thơ “Đề Khoản” trên bức vẽ trong sách “Tắc thiên thạch phổ” mà hai tác giả đã việt dịch ra nơi trang 7.



“Đá tựa bồ đoàn trải vạn niên


tới nay chán kẻ đến tham thiền


Mười năm nếu được tâm như đá


ngồi rách bồ đoàn ngộ đại thiên …”



Già Lam, đầu xuân mậu dần, 1998.

Đại Lãn

Read More
Người đăng: Phổ Đồng on Thứ Ba, 13 tháng 10, 2009
0 nhận xét
categories: | | edit post




Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Kính bạch Giác linh Thầy,
Những điều này đáng ra môn đồ pháp phái đệ tử chúng con đã bộc bạch với Thầy trong thời gian cử hành tang lễ; nhưng vì hòan cảnh vào lúc ấy không cho phép chúng con được quyền làm việc này, nên phải mãi đến hôm nay, tại Tổ đình Thiền Lâm nhân ngày chung thất trai tuần Thầy, chúng con mới đủ duyên để làm được cái quyền này.
Kính bạch Giác linh Thầy,
Môn đồ pháp phái đệ tử chúng con thường nghe: Cha mẹ tác tạo ra tấm thân ngũ uẩn chúng con, Thầy Tổ tác thành Giới thân Tuệ mạng cho chúng con. Nhưng sắc thân năm uẩn này thì, luôn biến dịch từ khi mới sinh ra cho đến khi khôn lớn hiểu biết và, cho đến lúc về già đã biến dịch đổi thay theo sự chi phối của luật vô thường, chúng tùy thuộc vào thời gian qua sự sinh diệt biến dị của nhân duyên sinh khởi; trong khi tánh giới của pháp thân tuệ mạng thì bất sinh bất diệt, vượt qua khỏi sự chi phối của không gian và thời gian. Qua đó, chúng con cảm nhận rằng ân đức tác thành giới thân tuệ mạng, chúng con không thể nào dùng bút mực để diễn tả lên giấy trắng mực đen, hay bày tỏ lên bằng vào ngôn ngữ lời nói để thể hiện lòng tín thành báo đáp ân Thầy trong muôn một!
Bảy mươi chín năm thác tích bụi trần, trong đó hơn sáu mươi năm thừa hành Phật sự:
Đối với bản thân, Thầy lúc nào cũng giữ gìn giới châu thanh tịnh, liên tục tinh tấn nhẫn nhục nghiêm khắc với chính mình nhằm thanh tịnh hóa ba nghiệp thân khẩu ý qua cuộc sống, cộng với lòng từ bi, hỷ xả và, cuộc sống đơn giản tri túc của Thầy trong công phu tu tập, đã biến Thầy thành Người sạch như băng tuyết, nó được thể hiện qua việc làm chủ cuộc sống hằng ngày và, trong việc làm chủ lấy cái chết của mình trong tư thế kiết tường lúc ra đi của Thầy; chúng đã nói lên tất cả những gì chúng con muốn nói.
Đối với mọi người, Thầy luôn luôn khiêm cung, từ hòa, nhỏ nhẹ, rộng lượng trong giao tiếp qua kham nhẫn và hỷ xả. Thầy vì lòng từ bi mà hiến dâng trọn đời mình cho sự nghiệp nghiên cứu dịch thuật, giáo dục cùng việc nuôi dạy đào tạo Tăng tài cho mai hậu. Thầy không ngại tuổi già sức yếu, tù tội, bệnh họan vây quanh đã vì tương lai Phật pháp, vì đàn hậu tiến mà dan tay gánh vác, hướng dẫn, bão bọc từ miếng cơm manh áo cho đến việc truyền trao giáo pháp cao minh của đức từ Phụ cho Tăng chúng. Thầy đáng xứng danh là bậc long tượng trong chốn Thiền môn, Người vừa thể hiện thân giáo vừa thề hiện ngôn giáo một cách sinh động qua cuộc sống và trong dạy dỗ. Qua đó chúng con và mọi người đã học được rất nhiều bài học Phật pháp từ đơn giản được thể hiện qua cuộc sống chính bản thân Thầy đến ý nghĩa sâu xa qua sự giảng dạy sinh động dí dõm trong ví dụ, đã làm cho chúng con nắm bắt một cách nhanh chóng những cốt lõi cơ bản trong lối trình bày. Đó là những gì môn đồ đệ tử chúng con lúc nào cũng nhớ nghĩ đến Thầy, điều mà chúng con viết về Thầy chúng đã thể hiện qua những nhận xét của Hòa Thượng Thích Trí Quang sau khi nghe tin Thầy an nhiên thị tịch trong tư thế kiết tường như hình ảnh đức Đạo sư nhập Niết-bàn. Hòa Thượng đi điếu cho Thầy bốn câu kệ, mà trước nay Hòa Thượng chưa từng đi cho bất cứ Hòa Thượng, Thượng tọa, Đại đức chúng Tăng nào, chúng nói lên tất cả cuộc đời của Thầy đã thể hiện trong sanh-bệnh-tử của chính mình:
Phụng cúng chúng Trung tôn
Thiện thuận giải thoát giới
Bệnh tử bất khổ thân
Thị thắng dị thục tướng.
Có lẽ nhờ nhân duyên nhiều đời nhiều kiếp, nên chúng con đã gặp Thầy, được làm môn đồ pháp phái đệ tử của Thầy. Chúng con được hân hạnh hầu cận bên Thầy một thời gian khá lâu; những gì đáng dạy thì Thầy đã dạy cho chúng con vừa khẩu giáo vừa thân giáo. Có những lúc chúng con lầm lỗi vấp ngã Thầy như một người cha vực dậy, nghiêm khắc chỉ dạy ngay đến cả roi vọt; nhưng sau đó Thầy như là một người mẹ hiền bỏ qua mọi chuyện, an ủi, khích lệ chúng con. Cho dù sau này vì nhân duyên chúng con ít gần gũi bên Thầy để được đích thân quỳ gối bên Thầy, nghe những lời dạy từ Thầy, hay được nghe những buổi giảng của Thầy về kinh-luật-luận như trước kia về khẩu giáo; nhưng chúng con cũng có thể học được Phật pháp từ nơi thân giáo của Thầy. Hình ảnh nghiêm từ như người cha khả kính của Thầy được thể hiện qua bốn oai nghi đi đứng nằm ngồi của giới thân thanh tịnh oai nghiêm, những lời động viện, khuyến khích học hành đối với chúng con tuy có ít ỏi; nhưng đó là những động cơ thúc đẩy mạnh đã làm tăng lòng tín tâm nơi chúng con đối với giới pháp và những lời dạy của đức Phật. Thầy như một từ mẫu, không riêng gì đối môn đồ phap phái đệ tử chúng con tại Tổ đình, mà nhất là đối với Tăng chúng tại các Phật học viện, Thầy lúc nào cũng lo lắn đến việc tạo dựng kinh tế tự túc cho chúng Tăng, để cho chúng Tăng khỏi tự lo cho mình về miếng cơm manh áo, mà chí tâm vào việc tu học. Thầy đã vất vả chạy xuôi chạy ngược các tỉnh trong khắp cả nước từ Quảng Trị cho đến Cà mâu đề lo về giáo dục và, lo về kinh tế cho chúng Tăng trong các Phật học viện vào lúc bấy giờ (trước năm 1975). Hơn nữa nhờ giới đức từ bên trong Thầy đã lan tỏa ra đã khiến cho những người chung quanh khi tiếp xúc với Thầy luôn luôn mang lại cho họ niềm an lạc hoan hỷ yên ổn.
Ân đức vô lượng vô biên ấy đối với môn đồ pháp phái đệ tử Thiền Lâm nói riêng chúng Tăng cả nước nói chung và, nhất là Tăng Ni Nhatrang, chúng con chưa kịp báo đáp thì than ôi! Thầy chợt ngã bệnh trong vòng hai tháng đúng và, đã vĩnh viễn ra đi mãi mãi. Thế là từ nay:

Trượng thất Long sơn vắng bóng Thầy,
Trăng dòm song cửa lạnh lò hương
Mùi thơm giới đức còn quanh quẩn
Gió thỏang vô thường vắng tiếng chuông!

Chốn Tổ Thiền lâm lá rụng đầy
Gót hài ký ức nạm xanh rêu
Ảnh chìm long vị Người không thấy
Chim lạc đường mây khản tiếng kêu!

Hải đức Già lam hoa lá lay
Nguyệt tà hương quyện gió đưa sang
Mùi hương đạo hạnh như còn mãi
Thiền thất lạnh lùng trăng tỏa hương.

Kính bạch Thầy,
Thầy thường dạy chúng con “Vô thường thị thường.” Hãy nắm lấy tinh túy cốt tủy của nó mà làm chủ sống chết. Tuy chúng con biết thế nhưng trước cảnh sinh ly tử biệt, trước sự ra đi của Thầy chúng con không làm sao cầm được nước mắt, chúng con mất đi trái tim nhân hậu Bồ-tát hạnh của Thầy, chúng con biết nương tựa vào đâu trong những lúc như lúc này?
Hôm nay nhân ngày lễ chung thất Thầy, chúng con kính bộc bạch lên Thầy những gì chúng con muốn bộc bạch trong những ngày lễ tang của Thầy, nhưng chưa đủ duyên để trình lên Thầy. Nay chúng con quỳ trước linh đài, thành kính nguyện noi gương Thầy trên bước đường phụng sự đạo pháp và dân tộc; trong đó việc đào tạo Tăng tài tiếp Tăng độ chúng cho mai hậu và, nghiên cứu phiên dịch kinh tạng là ước nguyện chính của Thầy trong sự nghiệp giáo hóa độ sinh. Chúng con nguyện sẽ noi theo và thực hành lấy “Trí tuệ làm sự nghiệp” cho chúng con như Thầy thường dạy. Và nhân đây chúng con xin kính ngưỡng mong Thầy vì sự nghiệp “Thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sinh” mà Thầy hồi nhập ta-bà để hướng dẫn diều dắt chúng con chuyển phàm thành Thánh, chuyển mê khai ngộ. Chúng con xin thành tâm kính lạy giác linh Thầy chứng giám và, cảm niệm thâm ân giáo dưỡng của Thầy đối với môn đồ pháp phái đệ tử chúng con.
Nam mô từ Lâm tế chánh tôn tứ thập nhị thế Thiền Lâm đường thượng húy thượng Thị hạ Khai, tự Hạnh Huệ, hiệu Đỗng Minh tôn sư giác linh thùy từ chứng giám.

Thay mặt môn đồ pháp phái đệ tử
Đại Lãn - Thích Đức Thắng



Read More
Người đăng: Phổ Đồng on Thứ Bảy, 10 tháng 10, 2009
0 nhận xét
categories: | | edit post

nhạc nền

Video - Phim

About Me

Ảnh của tôi
Từ vô thỉ ta luân hồi cát bụi, Vẫn miệt mài bám lấy cõi trần gian; Vẫn hít thở âm thầm yêu cuộc sống, Trần gian ơi nghe cát bụi mơ màn. Theo khát vọng ta trầm luân gót mỏi, Đếm đường dài vết cũ bụi chưa tan; Ngoảnh mặt lại khói sương mờ phong kín, Đường qua đi mất dấu tự phương ngàn. Ta dong ruỗi lạc loài theo nắng sớm, Cùng mưa chiều tan nát mộng dưới chân; Đất khẽ gọi con gió chiều đi vắng, Về tự tình đưa tiễn mộng nghìn năm. Nghe tan vỡ từ vô thường hoa nở, Nắng nghìn năm trưa buồn lạ trong hồn; Chiều ủ rũ qua nắng tàn trăng hiện, Từng giọt vàng rơi cõi đất mông lung. Vẫn hiện thực qua sắc màu biến đổi, Chuyện trăng tàn nhớ bóng ráng chiều phong; Tựa hơi thở buồn vui nào biết nổi, Cả một đời qua sinh diệt thời gian. Chợt một sớm rảnh rang nhìn đất thở, Đá cựa mình nghe dao động không gian; Như hoa đớm hạt nắng vàng ảo hóa, Giọt mong manh từng giọt đẹp vô ngần. Theo duyên hiện hóa thân vào vô tận, Duyên trùng trùng cho đến mãi vô chung.