CÔNG ÁN:
Lâm Tế đến Thúy Phong, Phong hỏi :
- Từ đâu lại?
Tế đáp:
- Hoàng Bích lại.
Phong hỏi:
- Hoàng Bích có câu nào dạy người không?
Tế đáp:
- Hoàng Bích không có câu nào.
Phong hỏi:
- Vì sao không có?
Tế đáp:
- Dù có cũng không chỗ cử ra.
Phong bảo:
- Nhưng thử đưa xem.
Tế đáp:
- Một mũi tên qua khỏi trời tây.
LỜI BÀN:
Về cách sử dụng pháp để dạy người của các vị Tông Sư tiền bối. Với quan niệm ứng cơ tiếp vật, ứng tiếng tiếp lời, đã nảy sinh không biết bao nhiêu là phương tiện sử dụng để ứng đối. Vì thế, trong cách ứng đối, bất cứ phương tiện nào, miễn sao nghĩ suy không vướng ý, nói năng không vướng lời, hành động không vướng mắc mà tỏ ra có khả năng bóc vỏ vô minh, đánh thức tâm cơ; tùy theo lời hỏi và căn cơ mà các lão hạ thủ ngay. Cho dù những lời nói đó, mới nghe ra như vu vơ, không ăn nhập vào đâu; đôi lúc nói đông nói tây, nói nam nói bắc, nói trên nói dưới, nói ngược nói xuôi… đôi khi dùng cả tay chân đạp đá hét la, trượng hèo phất tử, cử chỉ điệu bộ, hoặc im lặng… đó là những phương cách được sử dụng nhiều nhất về cách dạy trong văn học Thiền .
Bởi vậy, nếu bảo Hoàng Bích có câu để dạy người, thì chính cuộc sống của Hoàng Bích, còn nếu bảo không thỉ như Lâm Tế đã đáp : " Dù có cũng không có chỗ cử ra". Tuy nhiên, Thúy Phong không phải là tay vừa, đã cố ý gài bẫy Lâm Tế, nhưng Lâm Tế lanh cơ, khám phá ra cạm bẫy Phong gài. Ông đã dùng mũi tên của Hoàng Bích bắn ra, làm cho Phong tự sập vào bẫy của chính mình và chẹn được họng của Thúy Phong, không để cho ông cò kè bớt một thêm hai nữa. Nhưng thử hỏi, mũi tên mà Lâm Tế vừa bắn ra, ngoài hai mục tiêu trên, còn có ý nghĩa gì nữa không? Một mũi tên qua khỏi trời tây, chỉ có người sử dụng nó, và đối tượng mới biết có trúng hay không, ngoài ra ai có thể nhận biết được?
LỜI TỤNG:
Kèn cựa hai bên chiêu chẳng thông
Cũng muốn gài người vào hố thẳm
Ai ngờ không kiếm hại gia phong.